Từ số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, vẫn còn trên 100.000 thí sinh trúng tuyển nhưng chưa xác nhận nhập học. Do đó, nguồn xét tuyển bổ sung vẫn còn dồi dào cho các trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu ở nhiều ngành.

4533-cy-dyyc-1664849267.jpg
Ảnh minh họa

Trường ĐH Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh thông báo tuyển sinh bổ sung 500 chỉ tiêu đại học chính quy cho 9 chuyên ngành thuộc 5 ngành (chương trình chất lượng cao). Ở đợt xét tuyển bổ sung này, nhà trường thực hiện 2 phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ. Tân sinh viên trúng tuyển vào trường ở đợt xét bổ sung sẽ nhập học muộn hơn nhưng vẫn học chung với thí sinh trúng tuyển đợt Trường Đại hoc Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cũng là một trong những trường đầu tiên không tăng học phí trong năm học này nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh và sinh viên.

Trường ĐH Nông lâm TP. Hồ Chí Minh xét tuyển bổ sung 175 chỉ tiêu cho 4 ngành đào tạo hệ đại học ở cơ sở chính, 118 chỉ tiêu cho 5 ngành đào tạo đại học ở Phân hiệu tại Ninh Thuận và 90 chỉ tiêu cho 3 ngành đào tạo ở Phân hiệu tại Gia Lai. Trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung đến ngày 10/10.

Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh xét tuyển bổ sung 151 chỉ tiêu cho 5 ngành đào tạo bằng 2 phương thức xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng tiếp tục dành hơn 500 chỉ tiêu xét tuyển đợt bổ sung vào các ngành. Thí sinh có nguyện vọng học tại trường đăng ký xét tuyển từ ngày 3 - 8/10…

Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng thông báo xét tuyển bổ sung 95 chỉ tiêu ở 6 ngành đào tạo do trường cấp bằng và hơn 900 chỉ tiêu ở 25 ngành đào tạo chương trình liên kết với đại học nước ngoài. Đợt xét tuyển bổ sung này, nhà trường sử dụng phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trong khi đó, ở khu vực phía Bắc, nhiều trường ĐH có tỷ lệ sinh viên xác nhận nhập học gần như đạt 100% chỉ tiêu tuyển sinh. Tại Trường ĐH Ngoại thương, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo cho biết tỷ lệ xác nhận nhập học của nhà trường đạt gần 100% chỉ tiêu.

Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS. TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh cho hay tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học của trường gần 98%. Năm trước là 101%.

TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi cho biết, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển vào trường đã xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD&ĐT đạt khoảng 93%, cao hơn so với những năm trước. Những năm trước, tỷ lệ này của trường thường dao động khoảng 85-91%.

Theo quy định trong quy chế tuyển sinh, điểm chuẩn xét tuyển đợt bổ sung không thấp hơn điểm chuẩn xét tuyển đợt 1. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cũng chưa thể dự báo được mức điểm chuẩn đợt này bởi còn tùy thuộc vào lượng hồ sơ và điểm của các thí sinh đăng ký xét tuyển.

Khác với đợt 1, trong đợt xét tuyển bổ sung này, thí sinh muốn xét tuyển vào trường nào phải đăng ký trực tiếp với trường đó chứ không qua hệ thống chung. Vì thế, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về chỉ tiêu, điểm "sàn" của các trường, ngành để thực hiện đúng hướng dẫn và yêu cầu của mỗi trường.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kết thúc đợt 1 xét tuyển đại học, cả nước có 567.018 thí sinh trúng tuyển, trong tổng số 620.477 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung (91,4%); tính đến 17 giờ ngày 30/9, có 463.440 thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống (81,7% số thí sinh trúng tuyển).

Như vậy, cả nước vẫn còn khoảng 100.000 chỉ tiêu cần xét tuyển bổ sung. Đây là cơ hội cho những thí sinh chưa trúng tuyển trường nào trong đợt 1. Các năm trước, tỷ lệ xác nhận nhập học tối đa là 63%, riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ tháng 10 đến tháng 12/2022, cơ sở đào tạo xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định. Trước ngày 31/12, cơ sở đào tạo báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2022 về Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT).

Nguyên nhân khiến các trường đại học năm nay phải xét tuyến bổ sung là do sau khi có kết quả lọc ảo cuối cùng của Bộ GD&ĐT, số lượng thí sinh trúng tuyển ít hơn chỉ tiêu tương ứng của ngành mà các trường đã xác định và công bố (thường rơi vào các ngành ít thí sinh đăng ký).

Tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học vẫn thấp. Điều này có nghĩa nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng không có ý định học.

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, như các năm trước, Bộ GD&ĐT chỉ lọc ảo và trả điểm chuẩn cho các trường ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Còn lại số thí sinh trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm (học bạ, đánh giá năng lực...) do các trường chủ động quyết định. Điều này giúp các trường cũng nắm được số chỉ tiêu còn lại để xác định điểm sàn và chỉ tiêu xét tuyển ở phương thức xét điểm thi THPT.

Tuy nhiên, năm nay tất cả các phương thức xét tuyển đều được Bộ GD&ĐT lọc ảo chung, các trường hoàn toàn không xác định điểm sàn và điểm chuẩn trước vì không lường được lượng thí sinh ảo ở nhiều phương thức. Điều này vô tình dẫn đến việc các trường đưa mức điểm cao nhưng không tuyển đủ chỉ tiêu, khó khăn nhất vẫn là các trường đại học ở top giữa và cuối./.