Chiều nay (3/11), Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày (từ 3 đến 5/11) và được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Kênh Truyền hình Quốc hội để cử tri và nhân dân theo dõi.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị sẽ trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng, trong đó có thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội.
Các nội dung liên quan quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản cũng được lựa chọn để chất vấn Bộ trưởng Xây dựng.
Ngoài ra còn có các vấn đề: xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn; trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản; việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.
Bên cạnh trách nhiệm trả lời chính của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, các Bộ trưởng: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ cùng giải trình về những vấn đề có liên quan.
Trong sáng nay, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xác định là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội trong phiên họp ngày 1/11 với 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều, quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, việc quản lý đất đai và chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.