Các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Thiếu tướng Phan Văn Sỹ - Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 4; Vương Quang Minh – Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Đại tá Lê Thanh Bài – Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Tổng tham mưu; Đại tá Trần Xuân Bường – Phó Chính ủy Quân khu 4; lãnh đạo các ban, ngành, đơn vị cùng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử.
Chứng minh, khẳng định những hy sinh, đóng góp to lớn của quân và dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Hội thảo khoa học "70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954-2024 và những đóng góp to lớn của quân - dân tỉnh Nghệ An" kết hợp với triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - Một thiên sử vàng” nhằm tiếp tục ghi nhận, tôn vinh và lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, hệ thống chính trị và toàn xã hội về những hy sinh, đóng góp to lớn của lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh nhà đối với cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược mà đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Sau một thời gian chuẩn bị nghiêm túc, tích cực, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 48 bài nghiên cứu có chất lượng. Những nghiên cứu của các nhà khoa học gửi về tham gia Hội thảo đã thể hiện bức tranh sinh động, nhiều sắc màu về các góc độ tiếp cận những giá trị, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ, đặc biệt là những đóng góp quan trọng, to lớn của quân và dân Nghệ An. Đây sẽ là những tài liệu quý báu làm giàu có, phong phú hơn nữa lịch sử vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các nhà khoa học, đại biểu tập trung thảo luận, tiếp tục nghiên cứu, phân tích sâu sắc, liên hệ cụ thể những ý nghĩa lịch sử quý báu của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong mối quan hệ chặt chẽ với bối cảnh, tình hình và những đóng góp to lớn của nhân dân và lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh; rút ra những bài học kinh nghiệm về quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Trung ương; về những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mà Đảng bộ tỉnh lãnh đạo quân - dân Nghệ An đã thực hiện một cách sáng tạo để trực tiếp tham gia chiến dịch và phục vụ chiến dịch đạt hiệu quả cao nhất. Qua đó, chứng minh, khẳng định những hy sinh, đóng góp to lớn của tỉnh Nghệ An trong công cuộc kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao thắng lợi là chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đồng thời, trao đổi, thảo luận, làm sáng tỏ những nội dung còn có ý kiến, cách hiểu khác nhau; cung cấp những tư liệu, dữ liệu, thông tin, hiện vật, nhân chứng lịch sử một cách thống nhất về sự tham gia chiến dịch, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ của các địa phương, các ngành, lĩnh vực, các tập thể, cá nhân... đã có những đóng góp cùng với quân - dân cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kháng chiến để làm phong phú, đầy đủ hơn nguồn dữ liệu lịch sử Đảng bộ tỉnh và lịch sử cách mạng trên quê hương Nghệ An.
Đưa ra được những giải pháp, đề xuất, kiến nghị phù hợp để tiếp tục phát huy ý nghĩa lịch sử, giá trị của những bài học, kinh nghiệm từ những đóng góp to lớn của quân và dân Nghệ An vào chiến thắng Điện Biên Phủ trong công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng, ý thức, trách nhiệm đối với quê hương, đất nước đối với các thế hệ cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới.
Với ý nghĩa lịch sử quan trọng đặc biệt của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng như những hy sinh, đóng góp to lớn của quân và dân tỉnh Nghệ An, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả nước làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", cùng với những hoạt động thiết thực và đầy ý nghĩa, Hội thảo hôm nay ngoài giá trị khoa học còn có sứ mệnh chuyển tải nhiều thông điệp giá trị nhằm tiếp tục khắc sâu nhận thức, cổ vũ, động viên mạnh mẽ tinh thần yêu nước, yêu CNXH, phát huy ý thức, trách nhiệm cao của mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị và từng cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đóng góp sức mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp nối tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Điện Biên Phủ anh hùng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định.
Những nghiên cứu, tham luận sẽ trở thành cơ sở lý luận, thực tiễn quan trọng, thiết thực để tỉnh vận dụng trong quá trình xây dựng, phát triển
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, làm sáng tỏ những nội dung gồm: Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 – Đỉnh cao của sức mạnh văn hóa quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của Bộ đội Nghệ An trong kháng chiến chống Pháp và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới trên quê hương Nghệ An; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trên địa bàn Nghệ An phục vụ kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi...
Các đại biểu tự hào khẳng định, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Bác Hồ, quân và dân Nghệ An đã phát huy truyền thống quê hương Xô Viết anh hùng, nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, ra sức phát triển lực lượng về mọi mặt, xây dựng hậu phương vững chắc và ngày càng trưởng thành trên cả hai phương diện “kháng chiến, kiến quốc”. Sự vững mạnh đó đã giúp cho quân dân Nghệ An hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân giao, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của các chiến dịch, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Theo Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Bộ Tổng Tham mưu Lê Thanh Bài, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một điển hình trong việc phát huy cao độ vai trò của hậu phương trong chiến tranh nhân dân. Hưởng ứng lời kêu gọi “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”... dốc toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ, của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, hậu phương Liên Khu 4 cùng nhân dân cả nước cùng hướng ra mặt trận, nhân dân vùng tự do cũng như vùng tạm chiếm hăng hái, tự nguyện cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Thanh Đoài, từ thực tiễn công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh, rút ra 6 bài học quý báu đối với công tác vận động quần chúng hiện nay. Đó là, thứ nhất, trong mỗi giai đoạn, thời kỳ cách mạng, Đảng bộ tỉnh lựa chọn, đề ra những chủ trương, định hướng, những vấn đề trọng tâm về công tác dân vận phù hợp với thực tiễn địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Thứ hai, chăm lo xây dựng và củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ dân vận của Đảng bộ tỉnh từng bước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh đã góp phần xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước. Thứ tư, công tác dân vận phải bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước gắn với chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhân dân, động viên Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại, giữ vững ổn định chính trị, làm cho đất nước phát triển bền vững. Thứ năm, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, tập trung hướng về cơ sở, mang lại lợi ích thiết thực cho quần chúng nhân dân. Thứ sáu, phải quan tâm công tác kiểm tra, đánh giá, kiểm thảo, tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, phê bình, xử lý kỷ luật những tập thể, cá nhân vi phạm khuyết điểm.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định, qua phân tích, tổng kết, tất cả các bài viết, tham luận khoa học và những ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội thảo đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó, luôn quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, xây dựng và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh chặt chẽ giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, thực hiện đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong kháng chiến, kết hợp chặt chẽ đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế, củng cố và phát triển vững chắc thế trận lòng dân dưới sự lãnh đạo của Đảng...
Đảng bộ và quân - dân Nghệ An tiếp tục phát huy giá trị lịch sử truyền thống cách mạng, vận dụng sáng tạo trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những nghiên cứu, tham luận, trao đổi tại Hội thảo kết hợp với hoạt động triển lãm, trưng bày, giới thiệu những tư liệu, hiện vật quý giá về chiến dịch Điện Biên Phủ do Bảo tàng Quân khu 4 cung cấp sẽ trở thành những cơ sở lý luận, thực tiễn hết sức quan trọng, thiết thực để tỉnh vận dụng trong quá trình hoạch định chủ trương, chính sách, phát triển thành nguồn lực phục vụ yêu cầu xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh, thực hiện thắng lợi chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên quê hương Xô Viết anh hùng, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.