logo-hoi-thao-canh-dong-chum-1652673111332729311140-1652686123.jpg
Đại tá Trần Ngọc Anh, phó cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam), phát biểu tại họp báo giới thiệu hội thảo - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Hội thảo cấp Bộ Quốc phòng kỷ niệm 50 năm chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (21-5-1972 - 21-5-2022) nhằm khẳng định và làm rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào; sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo của Bộ tư lệnh Mặt trận Cánh Đồng Chum, Khu ủy Khu IV, Tỉnh ủy Nghệ An, cùng với tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của quân và dân hai nước Việt Nam - Lào đối với chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đây là dịp đúc rút những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử quý giá về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng.

Hội thảo nhằm tri ân công lao to lớn và sự đóng góp của quân dân hai nước Việt Nam - Lào; trong đó có quân và dân tỉnh Nghệ An đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc nói chung và trong chiến dịch Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng nói riêng.

Phát biểu tại họp báo, đại tá Dương Hồng Anh - phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - cho biết nội dung hội thảo sẽ tập trung vào 4 vấn đề, trong đó có việc phân tích, làm rõ đường lối, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường Việt Nam và phối hợp với hai nước Lào, Campuchia; vai trò chỉ đạo của Quân ủy Trung ương trong việc bảo vệ, giữ vững địa bàn chiến lược, sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo của Bộ tư lệnh chiến dịch Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng.

Các tham luận làm rõ nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự của Việt Nam trong chuẩn bị và thực hành tác chiến, tinh thần chủ động liên minh chiến đấu với lực lượng vũ trang cách mạng Lào trong chiến dịch này.

Hội thảo cũng tập trung làm rõ vai trò của chiến dịch đối với chiến trường ba nước Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Tình đoàn kết, sự phối hợp của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào trong chiến đấu, kết quả, tác động của chiến dịch đối với tiến trình của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Việt Nam, Lào và Campuchia.

Bên cạnh đó, các nội dung thảo luận tại hội thảo cũng đánh giá về tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi và những bài học lịch sử, kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ đạo xây dựng, tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến chiến dịch để vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Căn cứ chủ đề hội thảo, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã xây dựng hệ bài với 87 tham luận, gồm 5 bài khung và 4 tham luận của nhân chứng lịch sử. 

Các tham luận được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng khoa học, bám sát nội dung, chủ đề hội thảo. Hội thảo sẽ được tổ chức từ ngày 19 đến 20-5 tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, với hội thảo chính thức và các hoạt động bên lề ý nghĩa. Dự kiến có khoảng 350 đại biểu, phóng viên tham dự hội thảo./.