Nghệ An thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trong tư tưởng của Người, đối ngoại nhân dân luôn có vị trí rất quan trọng, là cánh tay nối dài của đối ngoại Đảng, là một trong ba trụ cột của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định nhiệm vụ, giải pháp phát triển của Nghệ An trên lĩnh vực đối ngoại: "Đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, nhất là trong lĩnh vực kinh tế với các địa phương của nước bạn Lào có chung đường biên giới với Nghệ An, các tổ chức quốc tế. Nâng cao hiệu quả tham gia vào các cơ chế hợp tác quốc tế, nhất là trong khuôn khổ hợp tác và khu vực tiểu vùng sông Mê Công".
Nghệ An là một trong những địa phương được đánh giá hoạt động có hiệu quả trong công tác đối ngoại nhân dân. Bên cạnh hoạt động đối ngoại Đảng, hoạt động ngoại giao Nhà nước thì hoạt động đối ngoại Nhân dân đã góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ của tỉnh Nghệ An với nhiều nước trên thế giới, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, các giá trị văn hoá của Nghệ An đến bạn bè quốc tế, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Nghệ An đến với các nhà đầu tư nước ngoài, đóng góp một phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Các hoạt động đối ngoại Nhân dân đã được triển khai thực hiện như: Giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, ẩm thực, tổ chức chiếu phim giới thiệu con người và quan hệ Việt Nam với các nước; tổ chức triển lãm, nói chuyện về quan hệ giữa Nghệ An với các nước, các địa phương bạn; tổ chức Chương trình hữu nghị giao lưu tại gia đình cho sinh viên nước ngoài học tập tại Nghệ An (homestay). Triển khai các hoạt động của các hội song phương, các tổ chức quốc tế, tiếp nhận các nguồn viện trợ. Tổ chức trao đổi, làm việc với rất nhiều đoàn của các đối tác đến từ nhiều quốc gia như Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Mỹ, Bỉ... và trên 20 tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, hoạt động đối ngoại nhân dân là cơ sở nền tảng quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục chính trị, an ninh quốc phòng. Để hoạt động đối ngoại nhân dân phát huy tốt nhất vai trò đóng góp trong phát triển của tỉnh Nghệ An, cần thiết phải có những giải pháp phù hợp, khả thi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Đây cũng là một trong những yêu cầu cấp thiết nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đại biểu quan tâm, làm rõ hơn vai trò của hoạt động đối ngoại Nhân dân trong chiến lược phát triển chung. Đánh giá thực trạng hoạt động đối ngoại Nhân dân và đề xuất giải pháp đối với công tác đối ngoại nhân dân ở Nghệ An, trong đó: Cần nhận diện rõ các tiềm năng, cơ hội và thách thức trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa tỉnh Nghệ An và bạn bè thế giới nhằm truyền thông, quảng bá hình ảnh Nghệ An ra thế giới, góp phần khai thác có hiệu quả, thiết thực tiềm năng kinh tế - xã hội của tỉnh. Những vấn đề đặt ra trong xây dựng phát triển hoạt động đối ngoại nhân dân đối với chiến lược phát triển chung của tỉnh Nghệ An, đúng với định hướng của Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát triển quan hệ đối ngoại với nước bạn Lào gắn với an ninh quốc phòng vùng biên giới.
Đổi mới tư duy, cách tiếp cận, nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ các nội dung: Đối ngoại nhân dân trong mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa; đối ngoại nhân dân trong chiến lược phát triển kinh tế - chính trị - xã hội của địa phương; vai trò hoạt động đối ngoại nhân dân với sự phát triển chung của tỉnh Nghệ An; công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới nhìn từ thực tiễn tỉnh Nghệ An...
Theo đại sứ Nguyễn Phương Nga - Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, để nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, nội dung và phương thức hoạt động đối ngoại nhân dân theo hướng đa dạng hóa, mở rộng phạm vi hoạt động, đối tác, lực lượng tham gia, đặc biệt là giới trẻ, trí thức, doanh nhân và cộng đồng bà con người Việt ở nước ngoài để tăng cường quan hệ hữu nghị, nâng cao hiệu quả hợp tác với nhân dân các nước, trước hết là các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, các nước lớn và các đối tác quan trọng khác. Tiếp tục phát huy lợi thế của đối ngoại nhân dân, làm tốt vai trò “cầu nối” xúc tiến hợp tác kinh tế - thương mại, du lịch, đầu tư, văn hóa, giáo dục, nâng cao hiệu quả công tác phi chính phủ nước ngoài và tăng cường hợp tác với các đối tác tiềm năng, đặc biệt là trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển xanh và bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả chiến tranh... phù hợp với thế mạnh và nhu cầu của từng đối tác, từng địa phương…
Kết luận hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, hoạt động đối ngoại nhân dân cần được đặt trong chiến lược và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá của tỉnh Nghệ An theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chỉ thị 12-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới gắn với Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các trụ cột đối ngoại của tỉnh và giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân trong tỉnh, để mỗi trụ cột, mỗi cơ quan phát huy được thế mạnh đặc thù của mình. Tiếp tục đổi mới tư duy, cách tiếp cận, nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại theo đúng tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám “vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế”. Tiếp tục phát huy lợi thế của đối ngoại nhân dân ở Nghệ An để làm tốt vai trò “cầu nối” xúc tiến hợp tác kinh tế - thương mại, du lịch, đầu tư, văn hóa, giáo dục, nâng cao hiệu quả công tác phi chính phủ nước ngoài và tăng cường hợp tác với các đối tác tiềm năng, đặc biệt là trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển xanh và bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... phù hợp với thế mạnh và nhu cầu của từng đối tác đối ngoại.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh cùng các tổ chức thành viên tiếp tục tăng cường các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, giao lưu văn hóa; phát huy lợi thế của đối ngoại nhân dân trong kiến tạo và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Đồng thời, tiếp tục vận động để thu hút các nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tham gia phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về xây dựng quê hương, đất nước. Nâng cao chất lượng truyền thông, quảng bá hình ảnh Nghệ An đến với bạn bè quốc tế thông qua hoạt động đối ngoại nhân dân.
Mặt khác, tỉnh Nghệ An cần xây dựng đội ngũ, lực lượng “vững mạnh”; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu mới của hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Tiếp tục coi trọng hơn nữa công tác đào tạo cán bộ đối ngoại cả về bản lĩnh chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...