Tại điểm cầu Nghệ An, tham dự hội nghị có các đồng chí: Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Viết Hưng – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ cùng lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị có liên quan.
Luật Thực hiện dân chủ cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. Để hướng dẫn kịp thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư để triển khai thực hiện.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết: Luật Thực hiện dân chủ cơ sở là văn bản pháp lý cao nhất từ trước đến nay nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; thể chế hóa Chỉ thị số 30-CT/TW trong đó nêu rõ khâu quan trọng là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cở sở là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, là nơi thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi.
- Chuẩn bị chu đáo để tổ chức thành công Hội nghị giữa 03 tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh
- Hội nghị tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng quy định năm 2023
- Hơn 1.300 cán bộ, đảng viên huyện Tương Dương tham dự Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là thực hiện rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế bảo đảm kỷ cương xã hội; thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Đồng thời, cụ thể Hiến pháp năm 2023 theo tinh thần đề cao quyền làm chủ của nhân dân.
Như vậy, Luật Thực hiện dân chủ cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, quá trình hoàn thiện xây dựng pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam giai đoạn mới. Qua đó, nhằm phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện Luật Thực hiện dân chủ cơ sở đề cao trách nhiệm của Người đứng đầu cơ quan, cấp ủy, chính quyền về công khai, minh bạch trong thực hiện quyền dân chủ.
Hội nghị đã được nghe lãnh đạo Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ báo cáo nội dung cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ cơ sở; lãnh đạo Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ báo cáo nội dung cơ bản của Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ cơ sở; lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo nội dung cơ bản của Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
Theo đó, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 bao gồm 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Điểm mới của mục này, gồm: Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền thụ hưởng của công dân về thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; Quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; Quy định hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm.
Luật cụ thể hóa đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Các quy định liên quan đến nội dung và hình thức công khai thông tin để dân biết ở tất cả các loại hình cơ sở theo hướng cập nhật, bổ sung các quy định tương ứng trong các luật chuyên ngành như: Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản pháp luật liên quan; bổ sung những quy định cụ thể khác nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác công khai thông tin.
Tại Nghệ An, ngày 17/5/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 331/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh giao năm 2024 và các năm tiếp theo, Sở Nội vụ phối hợp với các Sở, ngành tham mưu UBND tỉnh tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật cho cán bộ, công chức, viên chức của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện. UBND cấp huyện tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật cho cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Sau khi có văn bản hướng dẫn của Trung ương, Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, các Sở, ngành cấp tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết của HĐND các cấp quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn trình HĐND tỉnh. Sở Nội vụ tổ chức theo dõi, kiểm tra và báo cáo kết quả triển khai thực hiện Luật và chịu trách nhiệm tổng hợp, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.