Các đại biểu bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các hành vi vi phạm nhân quyền đối với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời kêu gọi các bên liên quan ngay lập tức chấm dứt bạo lực. Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại trước các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái.
“Chúng ta phải có chung một tiếng nói nhằm bảo vệ nhân quyền ở Afghanistan. Tôi kêu gọi Taliban và tất cả các bên tôn trọng, bảo đảm luật nhân đạo quốc tế, cũng như các quyền và sự tự do của tất cả mọi người. Chúng tôi đang nhận được các báo cáo về những hạn chế nghiêm trọng đối với nhân quyền trên khắp đất nước Afghanistan. Tôi đặc biệt lo ngại trước các thông tin về tình trangh vi phạm nhân quyền đối với phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan, những người lo sợ sẽ quay trở lại những ngày đen tối nhất".
Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế phải đoàn kết để đảm bảo rằng Afghanistan không bao giờ được sử dụng làm cơ sở hoặc nơi trú ẩn an toàn cho các tổ chức khủng bố. Ông Guterres kêu gọi Hội đồng Bảo an và toàn thể cộng đồng quốc tế sát cánh cùng nhau, hợp tác và cùng hành động, sử dụng tất cả công cụ để ngăn chặn mối đe dọa khủng bố toàn cầu ở Afghanistan và đảm bảo rằng các quyền cơ bản của con người sẽ được tôn trọng.
Về phần mình, Đại sứ Afghanistan tại Liên Hợp Quốc Ghulam Isaczai cho rằng Liên Hợp Quốc phải kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức ở đất nước mình: “Không còn thời gian cho một trò chơi đổ lỗi nữa. Chúng ta có cơ hội để ngăn chặn bạo lực tiếp tục, ngăn chặn tại Afghanistan rơi vào cuộc nội chiến và trở thành một quốc gia bị bài xích. Do đó, Hội đồng Bảo an và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nên sử dụng mọi cách có thể để kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực và tôn trọng nhân quyền cũng như luật nhân đạo quốc tế".
Đại sứ Isaczai nhấn mạnh, hàng triệu người dân Afghanistan đang phải đối mặt với một tương lai vô cùng bất định, do đó rất cần sự trợ giúp kịp thời của Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế nói chung.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói rằng, Washington cam kết sẽ hào phóng trong tái định cư người Afghanistan tại Mỹ.
Bà Thomas-Greenfield đồng thời bày tỏ cảm kích trước cam kết của các nước khác cũng thực hiện điều tương tự như Mỹ và nhấn mạnh: “Tôi muốn nhắc lại, nhấn mạnh lại và khẳng định lại lời kêu gọi, rằng các nhóm dân thường, bao gồm cả các nhà báo và những người không tham chiến phải được bảo vệ. Các cuộc tấn công nhằm vào dân thường hoặc các mục tiêu dân sự phải chấm dứt. Các quyền con người và các quyền tự do cơ bản của tất cả công dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái và thành viên của các nhóm thiểu số phải được tôn trọng. Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả các bên ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố và tất cả chúng ta phải đảm bảo rằng Afghanistan không bao giờ có thể trở thành căn cứ cho khủng bố”.
Hiện có khoảng 3.000 nhân viên người bản địa và 300 nhân viên quốc tế làm việc cho Liên Hợp Quốc ở Afghanistan. Liên Hợp Quốc cho biết, một số nhân viên đã được chuyển đến thủ đô Kabul, nhưng chưa có nhân viên nào được sơ tán khỏi Afghanistan./.