Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, ngày 5/7 cho biết người bệnh vẫn còn hai quả thận nhưng một bên đã bị teo do mắc hội chứng niệu quản khổng lồ. Phần niệu quản sát bàng quang giãn lớn thành nang, chứa mủ, đè vào bàng quang và vùng tiểu khung.

Bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi cắt bỏ bên thận và niệu quản đã mất chức năng để dự phòng nguy cơ ung thư. Trong quá trình mổ, bác sĩ hút ra gần một lít mủ trong niệu quản. Sau mổ, bệnh nhân dần hồi phục, không còn tiểu đục, tiểu buốt.

"Trường hợp này phát hiện bệnh muộn dẫn đến teo thận rất đáng tiếc", bác sĩ nói. Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân có thể bảo tồn được chức năng thận bằng phương pháp cắm niệu quản lại vào bàng quang, tránh các biến chứng sau này.

Niệu quản khổng lồ là bệnh lý gây ra do phần niệu quản không có nhu động hoặc phần niệu quản chui vào bàng quang bị xơ hẹp, khiến dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang tắc nghẽn, gây suy giảm hoặc mất chức năng thận từ từ hoặc nhanh chóng. Nguyên nhân chủ yếu do bất thường cấu trúc thành niệu quản.

Theo bác sĩ Liên, các trường hợp có dị tật liên quan tới thận có thể phát hiện ngay từ trong bào thai nếu theo dõi thai kỳ tốt. Nhờ đó, bác sĩ can thiệp sớm, tránh nguy cơ mất chức năng thận sau này.

Bác sĩ khuyến cáo người dân cần tập thể dục, ăn uống lành mạnh, đầy đủ các chất và giảm muối; nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi để bảo vệ hai quả thận. Người trẻ cần uống theo thể trạng cơ thể, khi tập thể thao nên bổ sung thêm các chất điện giải. Với người lớn tuổi bị rối loạn tiểu tiện, cần phải uống nước và đi tiểu đúng giờ.