Đây cũng là bài học mà bạn trẻ nào cũng cần nhớ mỗi khi có ý định nhắn tin hỏi thêm thông tin công việc với nhà tuyển dụng.
 
Nếu nói môi trường công sở là cuộc chiến ngầm thì việc đi phỏng vấn hay nhắn tin cho HR cũng cần có rất nhiều quy tắc mà sinh viên mới ra trường cần học. Bởi không đơn giản là nhắn tin phỏng vấn, có những bạn trẻ đã tạch khi đi xin việc chỉ vì những lỗi giao tiếp cơ bản như xưng hô không phù hợp, không tìm hiểu kỹ tính chất công việc của công ty...
 
Mới đây, một nữ sinh năm cuối đã đăng cuộc đối thoại với nhà tuyển dụng chỉ vỏn vẹn có 6 dòng tin nhắn qua lại mà cô nàng đã bị mất điểm trầm trọng trong mắt HR. Tất cả bắt nguồn từ dòng tin nhắn mở đầu: "Bên X bạn còn tuyển thực tập sinh không ạ?".

 
(Nguồn: Minh Tân - Hội review công ty có tâm! Góc bàn luận có tầm)
 
Nhìn qua có thể thấy câu không có ý xúc phạm hay dính lỗi diễn đạt, thậm chí khá lịch sự khi thêm chữ "ạ" vào cuối câu. Nhưng không ngờ, tin nhắn này đã mất điểm trong mắt HR và bị người này trả lời cực gắt: "Trước tiên nói chuyện thì phải có chủ ngữ đàng hoàng em nhé. Em đang đi tìm việc. Bên X chị còn tuyển, nhưng xin lỗi chị không nhận CV của em".
 
Nhiều người đã đồng tình với cách làm việc của nhà tuyển dụng, đồng thời chỉ ra lỗi sai rất hay mắc của sinh viên khi đi xin việc: Khi nhắn tin hỏi thông tin, cần giới thiệu bản thân rõ ràng; đồng thời xưng hô "bạn" với nhà tuyển dụng trong khi chưa biết tuổi, bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm là điều không hợp tình hợp lý.
 
"Hồi sinh viên mình cũng từng bị nhắc về cách xưng hô hồn nhiên "bạn" khi đi làm việc nơi công sở hoặc những công việc quan trọng, và ngẫm ra người ta nhắc đúng. Trong công việc, khi chưa thực sự quen viết nhau thì cách xưng hô tốt nhất nên là "anh/chị cho hỏi..." Cách mở đầu kiểu 'bạn ơi' thực sự giống đi mua hàng online, inbox nhau hỏi chứ không nghiêm túc công việc cho lắm. Vấn đề ở đây không phải ăn thua ở chỗ "hơn tuổi hay kém tuổi", mà là phép lịch sự", bạn L.L chia sẻ.
 
"Đọc tin nhắn của ứng viên đã biết ngay sự thiếu kinh nghiệm trong văn hóa giao tiếp xin việc. Đừng nói sinh viên, đến người đi làm có kinh nghiệm 10 năm khi đi xin việc mới, bản thân họ cũng phải mở đầu bằng lời chào rất lịch sự rồi mới đến trao đổi thông tin cần quan tâm. Điều này không phải thể hiện việc bợ đỡ tuyển dụng, mà thể hiện ứng viên có hiểu biết và được đào tạo từ môi trường có văn hóa tốt", bạn B.T bình luận.
 


 
Ở phía ngược lại, một số ý kiến cho rằng HR không nên quá gắt vì đây là lỗi của sinh viên không quá nghiêm trọng, nên thay vì không nhận ứng viên, nhà tuyển dụng nên nhắc nhở và cho cô bạn thêm cơ hội.
 
"Mình thấy có đuôi "ạ" ở cuối câu thì câu trở nên lễ phép, lịch sự. Nhiều khi nói tắt nhưng thêm đuôi ở cuối là thành câu rất bình thường rồi, không đáng soi mói", bạn Đ.T chia sẻ.
 
"Ứng viên đến nhà mình phỏng vấn còn bá đạo hơn nhiều, bạn này còn khá lịch sự rồi, chỉ là tư duy và ngôn ngữ chưa hợp nhau thôi. Mà trong trường hợp này HR cũng khá gắt, hi vọng lần sau tiết chế hơn cho người ra cơ hội", bạn C.T bình luận.
 
"Ý kiến cá nhân nha: Sao nhiều người cứ để ý quá câu xưng bạn - xưng anh - xưng chị nhỉ, mình thấy thế nào cũng được, chắp nhặt câu chữ xong lại xảy ra vấn đề. Chị kia chỉ cần nhắn lại xưng chị là bạn kia sẽ nghe ngay. Thiết nghĩ HR thì nên nhẹ nhàng cho người ta cơ hội", bạn Q.V nêu ý kiến.
 
Cuối cùng, sau nhiều ý kiến trái chiều thì cô nữ sinh đã rút ra kinh nghiệm và chia sẻ: "Em cảm ơn. Em đăng lên mà thấy cũng nhiều bình luận rồi. Đây là bài học đầu đời cho việc cư xử trong việc xin làm. Thật ra sẽ có nhiều ý kiến trái chiều với nhau, nên em sẽ đọc hết và nhận góp ý ạ".
 
Vậy còn bạn, bạn nghĩ sao về câu chuyện này?