Người nhà cháu N.H.H. (SN 2008, học sinh lớp 9 trường THCS Nam Phương Tiến A, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) cho biết, ngày 30/8, sau khi thực hiện phần thi chạy hơn 1.000m tại giải chạy tổ chức ở xã Phụng Châu thì H. bị đột quỵ. Liên quan tới sự việc này, ông Nguyễn Bá Thắng – Hiệu trưởng trường THCS Nam Phương Tiến A xác nhận và cho biết: "Việc cử cháu H. đi tham dự giải chạy này dựa trên công văn đề xuất của UBND huyện Chương Mỹ".
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, cháu N.H.H tử vong sau khi tham gia giải chạy tại xã Phụng Châu do được trường THCS Nam Phương Tiến A cử đi. Trước hết cần xác định xem nguyên nhân cháu N.H.H đột quỵ là do đâu?
Nhưng có thể thấy 2 vấn đề rất lớn liên quan đến việc tổ chức cuộc thi gồm có: Khâu chuẩn bị hậu cần, giám sát cuộc thi, đảm bảo y tế và việc khám kiểm tra tình trạng sức khỏe, bệnh nền của học sinh chưa đảm bảo. Đây là những vấn đề rất quan trọng, nhất là trong thi đấu thể thao. Những vận động viên tham dự kì thi cần đảm bảo về sức khỏe mới đủ điều kiện dự thi.
Nếu nguyên nhân đột quy xuất phát từ các vấn đề về sức khỏe và bệnh lý mà học sinh đã được phát hiện và đang có thì câu hỏi đặt ra là liệu khi cử học sinh N.H.H đi thi, nhà trường đã kiểm tra tình trạng sức khỏe của cháu N.H.H có đủ sức khỏe để tham gia không?
Trường hợp nhà trường không thực hiện việc kiểm tra các tiền sử bệnh của học sinh, cố ý cử học sinh đi thi, những người trực tiếp liên quan trong việc tuyển chọn học sinh đi thi trong nhà trường dẫn đến hậu quả chết người sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015.
Luật sư Hùng cho biết thêm, theo đó, người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao trường hợp làm chết người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm. Bên cạnh đó, nếu có lỗi xuất phát từ phía nhà trường, nhà trường sẽ phải thực hiện việc bồi thường theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm.
Ngoài ra cũng cần xem xét trách nhiệm Ban Tổ chức cuộc thi trong việc sơ cứu, công tác y tế chưa đảm bảo, việc giám sát cuộc thi cũng không làm chặt chẽ, chủ quan, không phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng các học sinh dự thi có dấu hiệu việc đuối sức, mất nước, không đủ sức khỏe tiếp tục thi dẫn đến việc học sinh bị đột quỵ.
Tuy nhiên, trong sự việc này, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần làm rõ liên quan đến nguyên nhân cháu N.H.H đột quy để truy cứu những trách nhiệm có liên quan. Qua đây chúng ta thấy rằng, việc tổ chức các cuộc thi, thể lệ cuộc thi và kiểm tra sức khỏe rất quan trọng. Nhất là cuộc thi học đường, vừa mang tính chất tuyên truyền, nâng cao sức khỏe, cổ vũ tinh thần cho các bạn học sinh. Nhưng cũng cần kiểm tra kĩ tình trạng sức khỏe, bệnh nền, tiền sử bệnh của các học sinh. Có như vậy các cuộc thi mới thực sự hữu ích và nâng cao sức khỏe, hạn chế tối đa các tai nạn đáng tiếc xảy ra./.