Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là Lãnh tụ kiệt xuất thiên tài, mà còn là nhà báo tài ba của báo chí Cách mạng nước nhà. Trong những năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Người đã viết nhiều bài báo có tính chiến đấu mạnh mẽ, đánh thẳng vào sào huyệt Đế quốc thực dân, giải phóng Việt Nam khỏi ách cường quyền nô lệ. Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng ta cùng ngẫm lại về cách làm báo của Người.
Sinh thời, Bác Hồ là người đặt nền móng cho Báo chí Cách mạng Việt Nam. Bác xác định: Văn hoá là một mặt trận, cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Báo chí Cách mạng là vũ khí hàng đầu trên mặt trận văn hoá tư tưởng, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, Nhân dân với Đảng, bởi vậy, mỗi nhà báo, người làm báo phải lấy tiêu chí phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp để viết.
Những ngày ở nước Pháp, trong điều kiện sống kham khổ khó khăn, nhưng Bác đã tập viết báo với tinh thần “người Cộng sản cầm bút”. Bài báo đầu tiên Người viết về “vấn đề Dân chủ của bản xứ” đăng trên báo Nhân Đạo ngày 2/8/1919. Sau đó tháng 4/1922, Bác sáng lập tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria). Đây là tờ báo đấu tranh cho người nghèo, công nhân, người bị bóc lột và phản ánh nỗi đau của những người dân mất nước.
Khi Bác thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, Người cùng Trung ương Hội xuất bản báo Thanh niên. Số đầu tiên ra ngày 21/6/1925. Đây là tờ báo tiếng Việt đầu tiên của giai cấp vô sản và Cách mạng Việt Nam. Năm 1941, sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, Người về Tổ quốc và thành lập báo Việt Nam độc lập. Đây là tờ báo nhằm nhằm kêu gọi nhân dân đoàn kết vững bền cùng nhau cứu nước. Bác chỉ rõ: Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số quần chúng ưa chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo.
Ngày 8/1/1946, Bác căn dặn các cán bộ tuyên truyền: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe. Ta đừng bắt chước những nước tuyên truyền tin chiến tranh quá sai lạc sự thực”.
Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8/9/1962, Người nói: “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo thì đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”. Người căn dặn những người làm báo: “Viết sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sỹ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được mới đúng, mới hay”. Bác góp ý: Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không phù hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng. Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta. Bác cũng chỉ rõ: “Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng”. Bác dạy, Tiếng Việt là vô cùng quý, phải trân trọng và sử dụng Tiếng Việt, hạn chế tối đa việc phải dùng tiếng nước khác nếu không cần thiết.
Ảnh minh họa
Trong thư gửi lớp viết báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng, Người viết: “Muốn viết báo khá thì cần phải:
Một là: Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực
Hai là: Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài mà học kinh nghiệm của người
Ba là: Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu
Bốn là: Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ....
Bác dạy, tính trung thực là một tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp, phản ánh đúng hiện thực khách quan, bản chất sự việc, phân biệt rõ đúng sai, không “tô hồng”, “bôi đen”, phiến diện, một chiều mới được dân tin, dân nghe. Bác cũng yêu cầu nhà báo: “Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu đi cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Phê bình phải phê bình thật thà, chân thành đúng đắn. Trong mọi trường hợp không thể viết báo vì mục đích vụ lợi cá nhân. Đó là nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp”.
Người cũng chỉ rõ nhà báo mỗi lần cầm bút phải xác định được: Viết cái gì? Viết những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn bè ta. Đồng thời để phê bình khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, nhân dân, bộ đội. Viết cho ai? Viết cho công - nông - binh, viết cho mọi tầng lớp người Việt Nam, không phân biệt già trẻ, nam nữ, tôn giáo, đảng phái. Viết để làm gì? Viết để tuyên truyền, để giác ngộ, để đoàn kết, để thức tỉnh quần chúng. Viết thế nào? Viết phải gọn gàng, sáng sủa, mạch lạc, có đầu có đuôi, có nội dung…
Trong thời đại mới hiện nay, thông tin đã trở thành “thế giới phẳng”. Vì thế người làm báo càng phải thận trọng khi cầm bút. Những nguyên tắc vàng “viết cho ai, viết để làm gì, viết thế nào” phải “ăn sâu” trong tiềm thức mỗi nhà báo để tránh viết sai, viết dài, viết chung chung, viết suy đoán.
Trước sự nghiệp Cách mạng và con đường đổi mới tiến ra biển lớn của dân tộc Việt Nam, mỗi nhà báo phải có tâm trong sáng, có tầm tri thức, có đạo đức nghề nghiệp. Phải lấy lợi ích dân tộc, lợi ích tập thể để viết. Bên cạnh viết những mặt tích cực, phải thẳng thắn chống lại thói hư tật xấu, đặc biệt, ngòi bút sắc bén để chống lại kẻ địch đang làm hại dân tộc ta, đất nước ta. Báo chí phải tham gia đấu tranh chống cái xấu đang làm hại sự phát triển của dân tộc như là tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội; chống ô nhiễm - bảo vệ môi trường. Đó là cách làm báo hiện đại của nhà báo Cách mạng mà Bác Hồ chỉ dạy.