Hoang tàn tuyến đường sắt bị 'bỏ quên' ở Nghệ An
Hơn 10 năm qua, tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn (Nghệ An) không còn hoạt động và bị rơi vào 'quên lãng'. Hệ thống nhà ga xuống cấp, nhiều đoạn đường ray bị hệ thống đường bộ đè lên không còn dấu vết.
Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn có tổng chiều dài hơn 30km được đầu tư xây dựng từ năm 1966. Điểm đầu của tuyến từ ga Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), điểm cuối là ga Nghĩa Đàn (nay là thị xã Thái Hòa, Nghệ An).
Tuyến đường sắt từng được xem là một phần quan trọng trong hệ thống giao thông đường sắt Việt Nam, là huyết mạch giao thông kết nối giữa miền xuôi và miền ngược của tỉnh Nghệ An.
Thời kỳ hoàng kim, tuyến đường đã giúp kết nối khu vực Tây Bắc Nghệ An với tuyến đường sắt Bắc - Nam. Giúp giao thương, vận tải hành khách và hàng hóa.
Không chỉ vậy, thời kỳ chiến tranh, tuyến đường này còn đóng vai trò chiến lược trong công tác hậu cần như vận chuyển lương thực, vũ khí và quân đội từ hậu phương ra tiền tuyến.
Đỉnh điểm, có những ngày tuyến đường sắt này chạy 2,3 chuyến tàu.
Tuy nhiên, đầu những năm 2000, cùng với sự phát triển của giao thông đường bộ, khách hàng của tuyến đường sắt này đã dần thưa vắng.
Đến năm 2012, những chuyến tàu cuối cùng của tuyến đường sắt đã phải tạm dừng lại. Kể từ đó, toàn bộ tuyến đường sắt rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Trong ảnh nhà ga Nghĩa Đàn (thị xã Thái Hòa, Nghệ An) bị bỏ hoang.
Toàn tuyến có 3 nhà ga (Nghĩa Đàn, Nghĩa Thuận và Quỳnh Châu), 6 nhà gác chắn và 4 nhà gác ghi. Nhưng thực tế, các công trình này cũng đã xuống cấp nghiêm trọng.
Bên trong các nhà ga xuống cấp nghiêm trọng.
Hệ thống nhà ga bị nứt nẻ, xập xệ.
Đơn vị quản lý phải đặt các biển cảnh báo nguy hiểm để người dân không vào bên trong.
Nhiều đoạn đường ray đã bị vùi lấp.
Các hạng mục của đường ray bị gỉ sét, hư hỏng.
Nhiều điểm đường ngang dân sinh đã lấp hệ thống đường ray tàu hỏa.
Các hạng mục của đường ray bị gỉ sét, hư hỏng.
Nhiều điểm đường ngang dân sinh đã lấp hệ thống đường ray tàu hỏa.
Người dân sinh sống hai bên lấn chiếm đường ray.
Mặc dù đã dừng chạy tàu, thế nhưng hàng năm, Bộ Giao thông vận tải vẫn phải bố trí kinh phí để trông coi, bảo quản (kiểm tra, bảo vệ kết cấu hạ tầng, bảo vệ các công trình trên tuyến, bảo vệ chống lấn chiếm hành lang an toàn giao thông) của tuyến đường sắt này.
Thời gian qua, cử tri thị xã Thái Hòa đã có kiến nghị về việc di dời nhà ga Nghĩa Đàn ra khỏi Trung tâm thị xã do tuyến đường sắt đã dừng hoạt động hơn 10 năm qua. Bộ GTVT sau đó đã có văn bản trả lời sẽ tiếp tục duy trì tuyến đường sắt này.