Các sản phẩm du lịch cộng đồng ở Nghệ An vẫn còn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chưa được tổ chức bài bản, chưa có đủ chiều sâu… để tạo hiệu ứng lan tỏa rộng khắp, thu hút đông đảo du khách thập phương đến thăm quan và trải nghiệm.
Phát triển rộng nhưng chưa sâu
Được ví như một “Việt Nam thu nhỏ” hội tụ nhiều yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc đa dạng, phong phú bậc nhất cả nước, Nghệ An đã và đang tập trung, chú trọng đưa du lịch cộng đồng trở thành một trong những loại hình sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Hiện nay, địa phương có khá nhiều điểm du lịch cộng đồng, trải dài từ miền xuôi lên miền ngược; trong đó đa phần tập trung tại các huyện vùng cao ở khu vực miền Tây Nghệ An. Điển hình như: Làng du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu; điểm du lịch cộng đồng bản Quang Phúc và bản Coọc, huyện Tương Dương; huyện Quế Phong có điểm du lịch cộng đồng Cọ Muồng, Mường Đán, Farmstay Nhật Minh;…
Tại các điểm du lịch cộng đồng trên, du khách sẽ được trải nghiệm bầu không khí thắm đượm nền văn hóa bản địa, dựa trên nền tảng bản làng các dân tộc còn nguyên sơ, kiến trúc truyền thống cổ, độc đáo, và đặc biệt là gần gũi với thiên nhiên, cây cối mát mẻ, trong lành.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, trên thực tế thì các sản phẩm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới chỉ phát triển ở mức quy mô nhỏ; hoạt động chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún; chưa được đầu tư, tổ chức một cách bài bản; nguồn nhân lực, cơ sở vật chất còn thiếu và yếu; khâu quảng bá du lịch chưa có chiều sâu, hiệu quả và sức lan tỏa chưa cao…
Theo đại diện một doanh nghiệp lữ hành ở Nghệ An cho biết: Mô hình du lịch cộng đồng ở tỉnh vẫn đang thiếu sự đầu tư chuyên sâu, không được thực hiện theo các nguyên tắc cơ bản về loại hình sản phẩm. Ở một số điểm du lịch khe, suối và thác nước thường rất đơn sơ, điểm dịch vụ ăn uống, thay quần áo chỉ là lều, lán tạm bợ. Còn đối với một số điểm du lịch cộng đồng nghỉ dưỡng thì phòng lưu trú còn thiếu sự đầu tư, hệ thống đồ dùng, thiết bị phòng nghỉ đơn giản; phong cách phục vụ thiếu tính chuyên nghiệp, chưa thể làm hài lòng du khách.
Đánh giá về thực trạng trên, ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết: “Tổng thể, du lịch miền Tây xứ Nghệ chưa đạt được như kỳ vọng, chưa xứng với tiềm năng, trong đó có nguyên nhân về hạ tầng phục vụ du lịch còn yếu kém, chưa thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, sản phẩm du lịch chưa đa dạng. Hy vọng trong những năm tới, sẽ có bước phát triển mới cho du lịch miền Tây xứ Nghệ”.
Thêm những mảnh ghép cần thiết
Theo Sở Du lịch Nghệ An, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trong những năm trở lại đây, du lịch cộng đồng ở miền Tây xứ Nghệ đã từng bước phát triển, thu hút được các nhà đầu tư xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch, lượng khách thu hút tăng lên hàng năm.
Đơn cử tại Làng du lịch cộng đồng ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, là nơi có phần lớn cộng đồng người dân tộc Thái sinh sống và là cái nôi của ngành nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Trong 7 năm trở lại đây, người dân bản làng Hoa Tiến làm loại hình du lịch này và hiện có khoảng 10 hộ thực hiện mô hình homestay, thu hút rất nhiều du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.
Để hút khách du lịch, bà con dân bản đã tự học, tự bồi dưỡng kiến thức về văn hóa truyền thống của dân tộc, phát huy nét đẹp về văn hóa, phong tục tập quán của mình. Không những vậy, họ còn chủ động kết hợp với các doanh nghiệp làm dịch vụ lữ hành để xây dựng những chương trình thú vị, viết kịch bản cho các làn điệu dân ca, dân vũ để du khách có những trải nghiệm đáng nhớ khi tham gia tour du lịch cộng đồng ở bản Hoa Tiến.
Anh Lang Đình Tiệp, một người con của đồng bào dân tộc Thái nơi đây cho biết: “Làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến hình thành và phát triển không chỉ góp phần tạo sinh kế cho người dân tham gia mô hình mà còn tạo sức hút cho điểm đến của địa phương và đặc biệt là không làm nguy hại đến nền văn hóa có từ lâu đời, cảnh sắc môi trường thiên nhiên nơi đây”.
Còn bà Lô Thị Tâm, chủ cơ sở homestay Từ Tâm ở Làng du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến thì chia sẻ: Gia đình làm dịch vụ du lịch này cũng được vài năm rồi và thấy rất vui mừng, phấn khởi khi được cùng với du khách trải nghiệm các trò chơi dân gian, nghe các làn điệu dân ca, dân vũ của người Thái, hướng dẫn làm dệt thổ cẩm, thưởng thức các món ăn truyền thống dân tộc.
“Từ khi làm du lịch cộng đồng, gia đình tôi còn có thêm thu nhập khá ổn định, lại vừa giới thiệu được nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến du khách thập phương nên dân bản tôi ai ai cũng rất phấn khởi” – bà Tâm vui mừng nói.
Mới đây, trong đề án chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 cũng đã xác định rõ, du lịch cộng đồng là một trong bảy loại hình du lịch chính được các cấp ngành cùng chính quyền địa phương tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư, phát triển.
Theo đó, giải pháp trọng tâm mà địa phương này đưa ra trong thời gian tới, đó là quyết tâm đổi mới mạnh mẽ về tư duy, cách làm trong quy hoạch, kế hoạch phát triển, trong xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình hành động; xây dựng nguồn nhân lực có năng lực, phẩm chất và tính chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm, yêu nghề, đáp ứng được yêu cầu trong quản lý nhà nước và trong hoạt động kinh doanh loại hình sản phẩm du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến các huyện, thành, thị nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trên địa bàn. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và “kỹ năng mềm” cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch, góp phần quảng bá điểm đến, hình ảnh du lịch của địa phương…