Nếu giao dịch thành công, Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen không còn là cổ đông của Tập đoàn Hoa Sen.
Ông Lê Phước Vũ hiện là chủ tịch CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và đang sở hữu 84,3 triệu cổ phiếu HSG, tương đương tỷ lệ nắm giữ 17,09%.
Cổ phiếu HSG giảm rất mạnh trong thời gian qua, từ mức đỉnh trên 48.000 đồng/cp ghi nhận hồi tháng 10/2021 xuống mức dưới 15.000 đồng/cp như hiện tại.
Với mức giảm hơn 69%, vốn hóa của Tôn Hoa Sen đã bốc hơi tổng cộng hơn 16,2 nghìn tỷ đồng xuống chỉ còn dưới 7,3 nghìn tỷ đồng. Hồi đầu tháng 10/2021, HSG lần đầu tiên ghi nhận vốn hóa đạt ngưỡng tỷ USD. Tuy nhiên, kết quả này không duy trì được lâu.
Cổ phiếu HSG giảm theo xu hướng giảm chung trên thị trường chứng khoán khi mà lạm phát trong nước tăng theo thế giới. Toàn cầu đối mặt với rất nhiều rủi ro, từ lạm phát cao lịch sử, nguy cơ suy thoái kinh tế cho đến những bất định đến từ cuộc xung đột Nga-Ukraine…
Giá tôn thép gần đây quay đầu giảm sau khi tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021. Trong khi đó, nguyên nhiên liệu đầu vào tăng lên.
Ông Lê Phước Vũ đã quy y hướng Phật và tại ĐHCĐ thường niên 2021 chủ tịch HSG cho biết ông ra đi vì trách nhiệm chứ không phải để gom một mớ tiền. Khi đó, ông sẽ hết cổ phiếu của tôi cho các nhà đầu tư đến sau.
Cũng tại ĐHCĐ 2021, đại gia Lê Phước Vũ cho biết, cổ giảm là cơ hội mua vào, “ai chốt lời cứ chốt”.
HSG là doanh nghiệp có lợi nhuận biến động mạnh theo quý cũng như theo năm, biến động theo chu kỳ tăng giảm của nguyên vật liệu. Ông Vũ cho rằng, cả thế giới đều là đầu cơ. HSG cũng từng nhận trái đắng khi đầu cơ nguyên liệu.
Đại gia Lê Phước Vũ trước đó nhiều lần cho biết ông ngồi trên núi và điều khiển hoạt động của doanh nghiệp. Việc chính của ông là ngồi trên núi và mua nguyên liệu cho doanh nghiệp. Theo kế hoạch, ông Vũ sẽ rời HSG sau năm 2026, và sẽ bán hết cổ phiếu cho nhà đầu tư đến sau.
Trước đó, ông Lê Phước Vũ nhiều lần bán HSG khi cổ phiếu này tăng giá mạnh và mua lại khi giá xuống thấp khi Tôn Hoa Sen trải qua những giai đoạn thăng trầm. Trong năm 2018, doanh nghiệp của ông trùm ngành tôn Lê Phước Vũ rơi vào tình trạng khó khăn chưa từng có, bất ngờ lỗ nặng và nợ vay cao ngất ngưởng.
Trong năm 2018, giá cổ phiếu HSG của Tôn Hoa Sen có lúc tụt giảm hơn 70%, tài sản bốc hơi nghìn tỷ.
Mặc dù có những thời điểm doanh nghiệp lỗ thảm và cổ phiếu lao dốc nhưng ông Vũ vẫn có những thương vụ mua bán cổ phiếu thành công. Hồi đầu tháng 6/2017, ông Vũ bán thỏa thuận thành công gần 10 triệu cổ phiếu HSG ở mức giá đỉnh: bình quân 32.000 đồng/cổ phiếu thu về hơn 300 tỷ đồng. Cổ phiếu này sau đó đã rớt về mức đáy gần 5.000 đồng/cp hồi cuối 2018. Giao dịch được thực hiện sau khi ông Vũ lăn chốt nhận cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu tỷ lệ 55% và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20%, với tổng cộng nhận thêm khoảng 20 triệu đơn vị.
Ông Lê Phước Vũ cũng được xem là rất may mắn khi Công ty TNHH một thành viên Tâm Thiện Tâm - công ty riêng của bà Hoàng Thị Hương Xuân, vợ cũ ông Lê Phước Vũ bán ra toàn bộ 19,2 triệu cổ phiếu HSG vào khoảng cuối tháng 5/2018, khi mà giá cổ phiếu HSG ở khoảng 12.000-13.000 đồng/cp.
Áp lực bán còn
Theo YSVN, thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục đà giảm ngắn hạn và VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1.155 điểm trong phiên kế tiếp. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn tiếp tục gia tăng cho thấy áp lực giảm giá vẫn cao. Điểm tiêu cực là dòng tiền tiếp tục suy yếu ở các mức giá thấp cho thấy mức hiện tại của thị trường vẫn chưa đủ hấp dẫn dòng tiền ngắn hạn. Tuy vậy, các chỉ báo xung lượng đang quay trở lại vùng quá bán cho thấy lực cầu giá thấp có thể sẽ sớm gia tăng ở vài phiên tới.
Theo VDSC, với quán tính giảm giá hiện có và tín hiệu kỹ thuật trở nên xấu hơn sau phiên ATC, dự kiến VN-Index sẽ tiếp tục lùi về vùng hỗ trợ quanh 1.170 điểm và kỳ vọng sẽ có 1 nhịp hồi phục kỹ thuật nhỏ.
Chốt phiên giao dịch 20/6, chỉ số VN-Index giảm 36,9 điểm xuống 1.180,4 điểm. HNX-Index giảm 12,14 điểm xuống 267,92 điểm. Upcom-Index giảm 1,66 điểm xuống 85,44 điểm. Thanh khoản đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, trong đó có 15,4 nghìn tỷ đồng trên HOSE.