Nếu đem so sánh với mức hỗ trợ tại các chương trình mục tiêu Quốc gia thì kinh phí thực hiện các hạng mục hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ đu tỉnh Nghệ An năm 2019 được triển khai thực hiện có giá gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Dư luận đang đặt dấu hỏi rằng, phải chăng Ban Dân tộc và các cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh Nghệ An đang “thưa giấy vẽ voi” trong việc thực hiện Đề án nêu trên.
 
Như đã đề cập tại các số báo trước, trong Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ đu tỉnh Nghệ An năm 2019, riêng hạng mục hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài được thực hiện với số lượng là 67 chuồng đã có tổng mức đầu tư lên đến gần 13 tỷ đồng. Trong đó, có 4 chuồng loại 1; 10 chuồng loại 2 và 53 chuồng loại 3.

 
Hạng mục "khủng" đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt
 
Dựa trên số liệu PV đã thu thập được cho thấy, chi phí xây dựng công trình chính của hạng mục “hỗ trợ chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài” của chuồng loại 3 (53 chuồng) là hơn 7,24 tỷ đồng (giá trị sau thuế là gần 8 tỷ đồng); chuồng loại 1 (4 chuồng) là gần 510 triệu đồng (giá trị sau thuế là gần 560 triệu đồng). Đặc biệt nhất, chuồng loại 2 (10 chuồng) có số tiền đầu tư hơn 2,36 tỷ đồng (giá trị sau thuế là gần 2,6 tỷ đồng) – tức tương đương gần 260 triệu đồng/1 chuồng – Đây thực sự là một con số “khủng khiếp” đối với bà con người dân vùng đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa, khó khăn, ít người ở miền Tây Nghệ An.

 
"Biệt thự" của bò ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An)
 
Tổng hợp tất cả các “giá trị” từ chi phí lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu thi công xây dựng; chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu gói xây lắp; chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói xây lắp; chi phí giám sát thi công xây dựng… mà 67 chuồng bò hỗ trợ cho bà con dân tộc Ơ đu ở bản Văng Môn, xã Nga My đã “ngốn” ngân sách lên đến gần 13 tỷ đồng.
 
Trong khi đó, so sánh với mức hỗ trợ từ Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ thì việc làm chuồng trại chăn nuôi chỉ được hỗ trợ 1 lần với mức 1 triệu đồng/1 hộ. Còn theo Quyết định 56/2016/NQ-UBND, ngày 29/9/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về một số cơ chế chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2020 thì mức hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi đại gia sức, gia súc (trâu, bò, lợn, dê…) cũng chỉ được hỗ trợ với mức “vẻn vẹn”…1,6 triệu đồng/1 hộ.
 
Chưa hết, theo Quyết định 2618/QĐ-UBND ngày 11/7/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phân khai kinh phí thực hiện các hạng mục hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ đu năm 2019 thì hạng mục hỗ trợ khai hoang, tạo đất sản xuất trong Đề án có tổng mức đầu tư  hơn 5,33 tỷ đồng.
 
Theo tìm hiểu của PV tại bản Văng Môn thì với số tiền hơn 5,33 tỷ đồng nêu trên thì chủ đầu tư tiến hành khai hoang hơn 8,5 ha đất sản xuất tại 3 khu vực. Trong đó, khu vực 1 là hơn 3 ha; khu vực 2 là hơn 2,5 ha và khu vực 3 là hơn 3ha. Như vậy, nếu tính bình quân mỗi ha khai hoang tạo đất sản xuất sẽ có tổng chi phí gần 620 triệu đồng/ha.

 
Khu vực khai hoang tạo đất sản xuất của Đề án
 
Trong khi đó, nếu đem so sánh với mức hỗ trợ từ Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ thì việc khai hoang, phục hóa hoặc tạo ruộng bậc thang để sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha khai hoang; 05 triệu đồng/ha phục hóa; 10 triệu đồng/ha ruộng bậc thang.

 
Nghị quyết 30a của Thủ tướng Chính phủ
 
Theo Quyết định 56/2016/NQ-UBND, ngày 29/9/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về một số cơ chế chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2020 thì mức hỗ trợ khai hoang, phục hóa để sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ 12 triệu đồng/ha khai hoang, 08 triệu đồng/ha phục hóa và được hỗ trợ lần đầu tiền mua giống, vật tư, phân bón để tổ chức sản xuất với mức “vẻn vẹn” chỉ 01 triệu đồng/ha.

 
Mức hỗ trợ theo Quyết định 56/2016/NQ-UBND, ngày 29/9/2016 của UBND tỉnh Nghệ An đối với khai hoang, phục hóa để sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ 12 triệu đồng/ha khai hoang, 08 triệu đồng/ha phục hóa
 
Đưa các chính sách nêu trên của Chính phủ và tỉnh Nghệ An so sánh với mức hỗ trợ từ Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ đu tỉnh Nghệ An năm 2019 thì sẽ có mức chênh lệch “khủng khiếp”. Cụ thể, mức hỗ trợ khai hoang của Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ đu nói trên cao gấp hàng chục lần; còn mức hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi cao gấp hàng trăm lần so với các dự án hỗ trợ liên quan đến Nghị quyết 30a của Chính phủ.
 
Phải chăng có việc “Thừa giấy vẽ voi” ở 2 hạng mục hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài có số tiền gần 13 tỷ đồng và hạng mục hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất với kinh phí là hơn 5,33 tỷ đồng trong Đề án. Hay còn có những lý do "tế nhị" nào khác để "con voi chui lọt lỗ kim" khi Đề án đã được thẩm định, phê duyệt bởi Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cũng như các cơ quan có thẩm quyền khác.

 
Giao bò trong dự án
 
Cũng cần phải nói thêm rằng, trước đó, dù đã nhiều lần liên hệ làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An liên quan đến vấn đề nêu trên đúng theo quy định của Luật Báo chí. Thế nhưng, không hiểu vì sao Sở NN&PTNT lại đưa ra rất nhiều “yêu sách” và hàng loạt chiêu thức “hành hạ” PV, hết Thẻ Nhà báo đến giấy giới thiệu “đích danh” cũng như phải ghi nội dung làm việc cụ thể. Thế nhưng, cuối cùng PV vẫn “không cung cấp thông tin” nội dung liên quan đến các hạng mục hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ đu tỉnh Nghệ An. Có lẽ Đề án này đối với Sở NN&PTNT Nghệ An là "bí mật quốc gia" chăng?