Sáng 3/12, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì cuộc họp báo thông tin về tình hình KT – XH. Nhiều vấn đề được phóng viên báo chí đặt ra như tình trạng phá rừng; quản lý khai thác khoáng sản; chấn chỉnh công tác cán bộ…
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong liên quan đến việc người dân nhận 2.000 đồng tiền hỗ trợ ảnh hưởng bão xảy ra ở xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh gây xôn xao dư luận, ông Thanh cho biết đã chỉ đạo địa phương kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Theo chủ tịch tỉnh Quảng Nam, hiện nay quy chế hỗ trợ còn nặng về chi tiết, không mang tính thực tiễn, các địa phương đang kiến nghị với Trung ương để điều chỉnh. "Tuy nhiên cách thức hỗ trợ phải làm sao đó để người dân cảm thấy tin tưởng rằng việc mình bị thiệt hại do thiên tai được hỗ trợ kịp thời đúng quy định, nhưng không để gây tình huống phản cảm như vụ việc vừa rồi ở Tam Vinh, Phú Ninh. Từ vụ việc này thì tất cả các địa phương khác xem đó là bài học”, ông Thanh nói.
Trước đó, như Tiền Phong đã thông tin, người dân ở xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" khi đạp xe mấy cây số, ngồi chờ cả buổi để rồi được nhận vài nghìn đồng tiền hỗ trợ do ảnh hưởng bão.
Câu chuyện bà Nguyễn Thị Kim Truyện (51 tuổi, trú xã Tam Vinh) nhận 2.000 đồng tiền hỗ trợ thiệt hại do bão gây xôn xao dư luận.
Bà Truyện cho biết nhận giấy mời của chính quyền xã đến nhà văn hóa thôn nhận hỗ trợ thiệt hại do hai cơn bão trong năm 2020. Lúc 14h, bà có mặt, nộp giấy ngồi chờ đến lượt. Chờ đến 17h do có việc, bà nhờ một người bạn nhận giùm. Tối cùng ngày, người này mang trả 2.000 đồng tiền hỗ trợ.
Hay trường hợp của bà Nguyễn Thị Lưu (64 tuổi) ở thôn Bình Thạnh, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh đạp xe 2,5 cây số nhận 3.000 đồng hỗ trợ sau khi chờ suốt cả buổi. Chẳng đặng đừng bà cầm về, rồi bọc kỹ trong túi nilon cất làm… kỷ niệm!
UBND xã Tam Vinh sau đó đã báo cáo về việc chi kinh phí hỗ trợ thiệt hại do bão số 6, số 9 năm 2020 trên địa bàn xã. Toàn xã có 588 trường hợp được hỗ trợ thiệt hại về cây trồng, trong đó có 31 trường hợp được hỗ trợ với mức dưới 10.000 đồng.
Xã cho rằng sau khi thống kê đã niêm yết danh sách các hộ dân bị thiệt hại tại nhà văn hóa các thôn, UBND xã.
UBND xã Tam Vinh khẳng định về quy trình, xã đã thực hiện đúng theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình niêm yết, một số hộ dân không theo dõi, không nắm thông tin về mức hỗ trợ của mình nên khi nhận giấy mời đi nhận tiền hỗ trợ thì mới biết quá thấp.
Bí thư Huyện ủy Phú Ninh Vũ Văn Thẩm cho biết đã yêu cầu kiểm điểm từ xã tới huyện bởi cách làm máy móc, thiếu thực tế, phản cảm gây ồn ào bức xúc trong nhân dân.
Liên quan vụ việc, trả lời báo chí, ông Trương Xuân Tý, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng, chính quyền địa phương kiểm kê, áp mức hỗ trợ theo đúng quy định, tuy nhiên có phần máy móc. Do diện tích thiệt hại của các hộ dân này quá ít, thay vì đến với người dân để nói cho họ cùng chia sẻ thì cán bộ lại mời người dân đến, chờ đợi cả buổi sau đó nhận hỗ trợ số tiền quá thấp mới dẫn tới xôn xao dư luận.
“Phía địa phương đã rút kinh nghiệm và chấn chỉnh lại trong triển khai vấn đề hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai cũng phù hợp hơn”, ông Tý nói./.