Khi các chiến sĩ từ miền Nam dâng Bác Hồ hộp sơn mài chứa nắm đất lấy tại mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Bác đã khóc. Sau này, mỗi lần nhìn tấm ảnh ngôi mộ cha mình, lòng Bác lại ứa lệ...
Tối 18/5, chương trình cầu truyền hình 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với tên gọi Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam được thực hiện từ 5 điểm cầu: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội); Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nghệ An); Bến Nhà Rồng (Thành phố Hồ Chí Minh); Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang); Công viên Văn Miếu - Thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Cầu truyền hình tại Hà Nội
5 điểm cầu trên là các địa điểm mang dấu ấn lịch sử và có mối liên hệ đặc biệt với thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác. Chương trình được thực hiện với mục đích giáo dục truyền thống, ôn lại những câu chuyện về hành trình cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Chương trình được chia thành 5 chương: Người trai chí lớn, Đi tìm mùa Xuân độc lập, Một nhà thống nhất, Âm thanh ngày mới, Rạng rỡ Việt Nam, trong đó từ khóa “ý chí” được sử dụng làm nội dung xuyên suốt. Qua hơn 2 tiếng, chương trình ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bến Nhà Rồng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu theo dõi chương trình cầu truyền hình 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chia sẻ tại chương trình, Giáo sư Vladimir Kolotov - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh - Đại học Tổng hợp Quốc gia St.Petersburg cho biết, trong giai đoạn từ năm 1934 đến 1938, Nguyễn Ái Quốc thực hiện những việc rất quan trọng ở Quốc tế cộng sản. Trong thời gian đó, Nguyễn Ái Quốc nghiên cứu khoa học tại Trường Bồi dưỡng lý luận quốc tế mang tên Lênin và Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa.
“Ông dành nhiều thời gian để theo dõi các cuộc cách mạng xảy ra trên toàn thế giới. Và cũng trong giai đoạn này Hồ Chí Minh thu thập được nhiều kiến thức cũng như thực tiễn cách mạng. Đây là giai đoạn chuẩn bị tích cực và là nền móng để sau này có thể tổ chức thành công cuộc Cách mạng Tháng 8”, Giáo sư Vladimir Kolotov nói.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng (áo trắng thứ 2 từ trái sang) dự điểm cầu tại Nghệ An
Tháng 5/1945, Bác Hồ và những người đồng chí của mình đã về đến Tân Trào. Tại điểm cầu Tuyên Quang, ông Hoàng Ngọc - nguyên đội viên Đội Nhi đồng Cứu Quốc (Tân Trào, Tuyên Quang) - một trong những cậu bé đầu tiên được gặp Bác Hồ nhớ lại: “Lần đầu tiên tôi gặp Bác Hồ là 21/5/1945, sau khi nghỉ trưa tại đình Hồng Thái, Bác đi vào trong làng. Lúc đó Bác Hồ gầy lắm, nhưng có mắt sáng và lời nói rất dễ nghe, đi vào lòng người”.
Tiết mục hát múa "Mong Bác vô Nam" do thiếu nhi Đồng Tháp thực hiện
Từ điểm cầu Đồng Tháp ông Lê Trí Đức (một trong những chiến sĩ được tập kết tại Cao Lãnh để ra Bắc vào năm 1954) chia sẻ, vào năm 1954, ông và các đồng đội của mình bàn với nhau cùng dọn cỏ và xây lại mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Khi bà con đem vật liệu ra, các chiến sĩ mỗi người một tay, trong một ngày xây xong mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc.
“Khi đó chúng tôi nói với nhau rằng, xây xong rồi mà Bác Hồ không ở đây thì không thấy được ngôi mộ. Do vậy, chúng tôi chụp hình ngôi mộ đem ra cho Bác Hồ. Chúng tôi cũng nói, có lẽ mình đem một nắm đất miền Nam được lấy từ mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc ra cho Bác Hồ. Khi đó tôi được giao lấy nắm đất, gói vào tờ báo đem theo”, ông Lê Trí Đức nhớ lại.
Các tiết mục văn nghệ tại điểm cầu Hà Nội, TP HCM
Ông Đức cho biết, đến ngày 15/10/1954, ông cùng các đồng đội mới ra tới Hà Nội. Đến Hà Nội, ông Đức ra bờ Hồ mua hộp sơn mài để nắm đất được lấy từ mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc đặt vào trong. “Bên ngoài viết dòng chữ kính dâng Bác Hồ nắm đất miền Nam, được lấy tại mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Bác hồ cầm, Bác Hồ khóc!”, ông Đức nói.
Từ đó, tấm ảnh và chiếc hộp sơn mài mà đồng bào miền Nam gửi, luôn được Bác giữ gìn như một kỷ vật vô cùng quan trọng.
Ông Trần Viết Hoàn - nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ: “Đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác cho biết, Bác thường lau chùi sạch sẽ hộp sơn mài. Và mỗi lần thấy tấm ảnh là lòng Bác lại ứa lệ”.