Sau Áo, Cộng hòa Séc và Đức đang cân nhắc thi hành các biện pháp giới hạn hoạt động đối với những người từ chối tiêm phòng vắc xin Covid-19, trong bối cảnh Tây Âu một lần nữa trở thành tâm dịch bệnh.
Hôm 15/11, Áo trở thành quốc gia đầu tiên thuộc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh phong tỏa đối với những người chưa tiêm vắc xin Covid-19.
Lệnh phong tỏa tại Áo đồng nghĩa với việc những người trên 12 tuổi chưa tiêm ngừa, hoặc không thể chứng minh mới hồi phục sau thời gian mắc Covid-19 sẽ không được phép rời khỏi nhà trừ lý do đi mua hàng hóa thiết yếu, tập thể dục hoặc cần chăm sóc y tế.
Hiện 65% trong tổng dân số 9 triệu người ở Áo đã tiêm phòng. Tỷ lệ tiêm phòng tại Áo đang thấp hơn so với mức trung bình 67% trong khối EU.
Tuy nhiên, trong vòng 7 ngày qua, Áo ghi nhận có thêm 128.813 người đi tiêm mũi 1 vắc xin Covid-19, so với con số 50.000 người vào một tuần trước đó.
Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg nhấn mạnh rằng, “tình hình rất nghiêm trọng” và lệnh phong tỏa gây tranh cãi là “cần thiết” để giúp có thêm nhiều người đi tiêm phòng.
Bên cạnh đó, bắt đầu từ ngày 15/11, thủ đô Vienna của Áo sẽ trở thành nơi đầu tiên ở EU tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Sau khi mở đăng ký từ ngày 13/11, Áo đã có 5.000 trẻ em đặt lịch hẹn tiêm.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) vẫn chưa cấp phép sử dụng loại vắc xin nào để tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Song các nước thành viên EU vẫn có thể tiến hành tiêm trong trường hợp khẩn cấp nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Áo xác nhận có hơn 960.000 người mắc và hơn 11.700 người tử vong vì Covid-19. Hiện tại, mỗi ngày Áo có hơn 13.000 ca mới mắc Covid-19.
Các nước EU đẩy mạnh chặn dịch
Ngoài Áo, chính phủ nhiều nước châu Âu cũng đang cân nhắc đưa ra biện pháp mạnh tay để đối phó với những người không tiêm ngừa và ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng. Điển hình, Hà Lan đã ra thông báo phong tỏa một phần vào mùa đông năm nay.
Latvia, quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Covid-19 thuộc hàng thấp ở EU, đã cho thi hành các biện pháp giới hạn khắt khe đối với người không tiêm vắc xin. Cụ thể, vào ngày 15/11, Latvia thông báo các công ty có thể sa thải người lao động từ chối tiêm ngừa virus corona.
Chính quyền của Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis đang cân nhắc một số phương án đưa ra các quy định nghiêm ngặt hơn. Vào ngày 18/11 tới, chính phủ Séc sẽ nhóm họp để tranh luận về các biện pháp mới nhằm làm chậm tốc độ lây lan của dịch Covid-19.
Còn tại Pháp, nước này đã tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang và thắt chặt những yêu cầu nhập cảnh đối với công dân đến từ nhiều quốc gia.
Với người cao tuổi, Tổng thống Emmanuel Macron áp dụng quy định người trên 65 tuổi bắt buộc phải có chứng nhận tiêm mũi tăng cường vắc xin Covid-19 để có thể vào rạp chiếu phim, nhà hát, nhà hàng mà không phải xuất trình kết quả xét nghiệm.
Chiến dịch tiêm mũi vắc xin tăng cường cũng được mở rộng kể từ đầu tháng 12 đối với những người mắc bệnh nền và người trong độ tuổi từ 50 - 64.
Hiện tại, khoảng 3,4 triệu trong số 7,7 triệu người Pháp đủ điều kiện tiêm mũi vắc xin tăng cường đã nhận được thông báo và số lượng người đăng ký tiêm nhắc lại qua mạng Internet đã tăng vọt, kể từ sau khi chính phủ nước này công bố điều kiện bắt buộc tiêm mũi thứ ba với người trên 65 tuổi.
Đáng nói, tại Đức, một nguồn tin cho hay nước này có thể sẽ tái thi hành chính sách làm việc tại nhà trên diện rộng để ngăn dịch Covid-19 lây lan. Trước đó, quy định làm việc tại nhà đã được giới chức Đức gỡ bỏ hồi đầu tháng Bảy. Đức áp dụng lại quy định này, trong bối cảnh quốc gia châu Âu đang đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 4 ngày càng lan rộng.
Đức từng được coi là hình mẫu trong công tác ứng phó với dịch Covid-19 khi duy trì tỷ lệ tử vong ở mức thấp bằng cách nhanh chóng triển khai xét nghiệm đại trà, và nâng cao năng lực của hệ thống y tế. Song thực tế, Đức vẫn không tránh được làn sóng lây nhiễm tái bùng phát trở lại.
Theo quy định mới, những người muốn đi tàu hỏa hoặc xe buýt ở Đức sẽ phải trình giấy xét nghiệm Covid-19, hoặc giấy xác nhận đã tiêm phòng, hoặc mới hồi phục sau khi mắc Covid-19.
Một số quốc gia châu Âu yêu cầu hàng khách cung cấp giấy xác nhận tiêm phòng hoặc kết quả xét nghiệm Covid-19 trước khi thực hiện các chuyến đi xa bằng phương tiện giao thông công cộng. Nhưng hiện chưa rõ quy định này có áp dụng với các phương tiện công cộng di chuyển trong nội thành hay không.
Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Covid-19 tại Đức hiện là 67% dân số và nằm trong nhóm thấp nhất ở ở Đông Âu, bởi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là khoảng 80 - 90%.
Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Đức là 1.164/1 triệu người. Trong khi, tính trung bình, tỷ lệ tử vong vì nhiễm virus corona ở EU là 1.828/1 triệu người, theo dữ liệu của Our World in Data.
Ở Italy, số ca mắc Covid-19 cũng tăng nhanh theo từng ngày, nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với nhiều nước khác ở châu Âu như Đức.
Tính tới ngày 15/11, khoảng 84% dân số trên 12 tuổi ở Italy đã tiêm đầy đủ vắc xin Covid-19, và gần 87% dân số đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin.
Hôm 15/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Andrea Costa tuyên bố tình hình dịch Covid-19 ở nước này đang được kiểm soát. Thông tin này nhằm phủ nhận tin tức cho rằng chính phủ Italy có thể áp đặt các hạn chế trong kỳ nghỉ Giáng sinh năm nay khi số ca nhiễm virus corona đang tăng nhanh trở lại./.