Dịp cao điểm trước nghỉ lễ 2/9 năm nay, các bến xe lớn ở Hà Nội đều “cửa đóng, then cài”, một số bến thành ...
Dịp cao điểm trước nghỉ lễ 2/9 năm nay, các bến xe lớn ở Hà Nội đều “cửa đóng, then cài”, một số bến thành điểm xét nghiệm Covid-19...
Sáng nay (1/9), có mặt tại các bến xe lớn trên địa bàn thành phố như: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa... ghi nhận của PV Báo Giao thông tại đây đều trong tình trạng đóng bến, không phục vụ hoạt động vận tải hành khách. Hiện chỉ có bến xe Nước Ngầm, Yên Nghĩa được mở để làm điểm xét nghiệm Covid-19 và điểm trung chuyển hàng hóa.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lý Trường Sơn - Giám đốc BX. Mỹ Đình cho biết, khi chưa xuất hiện dịch Covid-19, vào cao điểm dịp lễ như dịp này các bến xe đều phải căng mình phục vụ hành khách, đường phố “chật như nêm”. Ngày cao điểm mọi năm bến có khoảng hơn nghìn lượt xe. Trung bình cũng 800 - 900/ xe/ ngày. "Tuy nhiên, kể từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi phải đóng cửa bến để phòng chống dịch. Bến xe có 140 cán bộ, công nhân viên nhưng phải nghỉ 90%, chỉ còn lại 10% trông giữ tài sản trong bến”, ông Sơn thông tin.
Một số xe khách được nhà xe gửi lại tại bến song không hoạt động - Ảnh chụp tại BX. Mỹ Đình
Tại BX. Giáp Bát, ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc bến xe này cho biết, những ngày cao điểm trung bình bến đón 2 vạn lượt hành khách, cùng khoảng 135 cán bộ công nhân viên làm nhiệm vụ quản lý, phục vụ. Song để phòng dịch, từ hơn một tháng nay bến xe phải đóng cửa hoàn toàn. "Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, phụ thuộc vào quyết định của thành phố nên chưa biết bao giờ bến mới hoạt động trở lại. Chúng tôi đang đề xuất cho cán bộ, nhân viên nhận gói hỗ trợ Chính Phủ do thất nghiệp", ông Thành chia sẻ.
Sân trước BX. Giáp Bát những ngày bến chưa đóng cửa có những hàng xe buýt, hành khách phủ kín nhưng nay không gian đều trống vắng.
Bên trong khu xếp khách và xe xuất bến tại BX. Giáp Bát giờ chỉ là không gian trống trải
Bên ngoài khu vực BX. Giáp Bát dòng người qua lại trong ngày hôm nay đều khá thưa vắng so với cảnh chật kín, đông đúng như mọi năm.
BX. Nước Ngầm trước đây phục vụ hành khách, giờ được trưng dụng thành điểm xét nghiệp Covid-19 theo chỉ đạo của thành phố.
Ông Trịnh Hoài Lam, Phó giám đốc BX Nước Ngầm cho biết, thời điểm thông thường chưa có dịch, mỗi ngày, bến xe có khoảng 300 - 320 lượt xe khách hoạt động, ngày cao điểm là 350 xe. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của TP. Hà Nội, từ ngày 24/7, toàn bộ hoạt động khai thác của BX. Nước Ngầm tạm dừng. Hơn 100 cán bộ, người lao động phải tạm nghỉ không lương. "Đến ngày 9/8/2021, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ VN và Sở GTVT Hà Nội, BX Nước Ngầm tạm thời trở thành điểm xét nghiệm Covid-19 cho các lái xe vào địa bàn thành phố hoạt động", ông Nam thông tin.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, sáng nay tại BX. Yên Nghĩa các hoạt động vận chuyển hành khách đều tạm dừng. Thay vào đó tại đây xuất hiện điểm xét nghiệm Covid-19, hai bên QL6 đoạn đối diện bến xe là những hàng xe tải nối dài.
Lãnh đạo BX. Yên Nghĩa cho biết, theo chủ trương của thành phố bến này sẽ trở thành điểm trung chuyển tập kết hàng hóa, nhu yếu phẩm (chở đầu mối tạm). Hiện bến xe chỉ chịu tránh nhiệm bàn giao mặt bằng, còn đơn vị vận hành là HTX Văn Quán của quận Hà Đông. Đây là phương án dự phòng của TP trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, các chợ đầu mối xảy ra các ca bệnh phải ngừng hoạt động mới trung dụng đến.
Theo lãnh đạo BX Yên Nghĩa, hiện trong khu nội bộ bến xe mỗi ngày chỉ có khoảng chục bảo vệ được chia làm 3 ca liên tục để làm nhiệm vụ trông coi bảo vệ, phòng chống cháy nổ. Trước đó, khi dịch bệnh được kiểm soát, bến có trên 150 cán bộ, công nhân viên. Hiện để hỗ trợ người lao động, bến xe đã kiến nghị và được quận Hà Đông giải quyết theo nghị quyết 68 của Chính phủ.
Các nhân viên y tế trong BX Yên Nghĩa làm nhiệm vụ xét nghiệp cho lái xe vận chuyển hàng hóa. Để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải khách, bến xe bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, UBND TP. Hà Nội mới đây đã yêu cầu Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất Ngân hàng Nhà nước, Bộ GTVT, Bộ Tài chính xem xét tháo gỡ khó khăn liên quan đến chính sách lãi vay tại các tổ chức tín dụng; phí bảo trì đường bộ; thời hạn lắp đặt camera trên phương tiện vận tải hành khách công cộng để báo cáo thành phố...