Nhận thấy không còn hy vọng Mỹ sẽ thay đổi chính sách cứng rắn đối đầu với Trung Quốc, Bắc Kinh đã thông qua lệnh chống trừng phạt.
Hết hy vọng với Biden, Trung Quốc tung chiêu bài chuẩn bị hơn 1 năm nay
Một cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc

Luật chống trừng phạt của Trung Quốc có gì?

Luật chống lệnh trừng phạt nước ngoài đã được Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) của Trung Quốc thông qua ngày 10/6, theo Thời báo Hoàn cầu (Global Times).

Global Times dẫn lời các chuyên gia luật Trung Quốc cho rằng, đây sẽ là cơ sở pháp lý để chặn các lệnh trừng phạt nước ngoài, bảo vệ cá nhân, thực thể của Trung Quốc khỏi tổn thất từ những lệnh trừng phạt đó.

Đồng thời, luật mới còn tạo cơ sở cho phép Bắc Kinh áp ngược lại các lệnh trừng phạt cần thiết để trả đũa.

Đạo luật chống lệnh trừng phạt nước ngoài gồm 16 điều, quy định rõ những cá nhân và tổ chức tham gia vào quá trình xây dựng cũng như thực thi các biện pháp phân biệt đối xử đối với công dân và các tổ chức của Trung Quốc, sẽ có thể bị đưa vào danh sách chống trừng phạt.

Các cơ quan liên quan trực thuộc Quốc vụ viện trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia phác thảo, quyết định, thực thi danh sách trả đũa nhắm vào các đối tượng trên.

Uỷ ban pháp luật thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc từng dẫn ví dụ một số cá nhân/ tổ chức có thể là bị đưa vào danh sách chống trừng phạt nước ngoài đó là: những nước phương Tây đang trừng phạt Trung Quốc vì các vấn đề như nhân quyền tại Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và đại dịch Covid-19, theo Global Times.

Những người bị đưa vào “danh sách đen” của Trung Quốc có thể không được nhập cảnh hoặc bị trục xuất khỏi quốc gia này, bị siết hoặc đóng băng tài sản, cấm kinh doanh hợp tác với công dân và các tổ chức Trung Quốc.

Danh sách trừng phạt trả đũa có thể mở rộng cả với người thân, vợ/chồng hoặc các tổ chức do những cá nhân bị trừng phạt đứng đầu hoặc vận hành.

Luật còn cho phép các công dân, tổ chức Trung Quốc có thể nộp đơn kiện các cá nhân tổ chức hỗ trợ nước ngoài thực hiện hành vi phân biệt đối xử, lên tòa án nhân dân phù hợp với luật pháp để ngăn chặn hành vi đó cũng như đòi bồi thường thiệt hại.

Đồng thời, Trung Quốc còn thiết lập một cơ chế làm việc để phản ứng trước các lệnh trừng phạt của các nước khác.

Ông Huo Zhengxin, giáo sư luật tại Đại học Khoa học chính trị và luật pháp Trung Quốc nhận định: “Luật mới đã nhắm đến những cá nhân/tổ chức thực hiện các biện pháp đơn phương gây tổn hại tới lợi ích Trung Quốc một cách chính xác và hiệu quả".

Trả đũa phương Tây bài bản và hệ thống hơn

Các chuyên gia luật cho rằng, việc Trung Quốc lần đầu tiên ban hành luật chống trừng phạt kiểu này sẽ tạo khung pháp lý hỗ trợ mạnh mẽ, đảm bảo cho Bắc Kinh có thể chống lại những biện pháp đơn phương và phân biệt đối xử từ nước ngoài.

Đồng thời, luật còn chứng minh sự đồng lòng quyết tâm của các nhà lập pháp Trung Quốc trong bảo vệ lợi ích cốt lõi của đất nước.

So sánh với các biện pháp chống trừng phạt trước mà Bắc Kinh đã áp dụng, luật mới nhấn mạnh vào sự toàn diện và có hệ thống hơn về khía cạnh pháp lý khi chính phủ Trung Quốc đối mặt với các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ, Global Times dẫn nhận định của một số chuyên gia cho biết.

Ông Tian Feilong, chuyên gia luật tại Đại học Beihang, Bắc Kinh nhận định: “Luật mới được công bố đồng nghĩa Bắc Kinh đã hoàn tất cơ sở, tạo điều kiện cho Bắc Kinh có vị thế tương đương phương Tây khi thực hiện các biện pháp đáp trả trừng phạt”.

Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn lời một số chuyên gia cho biết, thực chất, chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu thảo luận về bộ luật từ năm ngoái, thời điểm ông Trump còn là Tổng thống Mỹ nhưng chưa thông qua vì còn chờ đợi và kỳ vọng Washington sẽ thay đổi cách tiếp cận khi ông Joe Biden nhậm chức.

Phó Giáo sư tại Khoa Luật thuộc Trường Đại học Bắc Hàng Tian Feilong, người đã tham gia các cuộc tham vấn về luật mới cho biết, Bắc Kinh đã chờ đợi để xem cách tiếp cận của ông Biden với Trung Quốc là gì. Nhưng chính quyền mới chọn cách tiếp nối chính sách đối địch với Trung Quốc đã được thực hiện dưới thời ông Donald Trump.

"Mỹ đã chơi quân bài này trước và Trung Quốc đáp trả bằng cách chơi quân bài của mình”, tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn nhận định của ông Tian nhấn mạnh.

Trong tương lai, khả năng, cuộc đối đầu trừng phạt - trả đũa lẫn nhau giữa Trung Quốc và phương Tây sẽ tích tụ và trở nên căng thẳng hơn", giáo sư quốc tế Shi Yinhong tại trường Đại học Nhân dân Trung Quốc quan ngại.