Khoảng 10 năm trước, người dân vùng sâu Sóc Trăng phải chịu cảnh lụy đò, phà. Nay được đầu tư lộ bê tông hóa, cuộc sống trở nên khởi sắc hơn.

Khoảng 10 năm trước, người dân trên địa bàn xã Liêu Tú (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) phải rất vất vả để đi lại, phải chịu cảnh lụy đò, phà, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Khi đó, cuộc sống của người dân rất khó khăn, điện nước chưa bảo đảm.

Đồng bào đoàn kết, giúp nhau thoát nghèo

Theo UBND huyện Trần Đề, Liêu Tú là một xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) của huyện. Xã này có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 80% dân số toàn xã, tập trung ở các ấp Đại Nôn, Giồng Chát, Bưng Triết, và Bưng Buối.

Hết cảnh luỵ đò, người dân bon bon trên đường bê tông hóa về tận phum sóc
Lộ giao thông đã được bê tông hóa, góp phần nâng cao diện mạo nông thôn ở Sóc Trăng.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành đã đưa những chính sách, chương trình phát triển về với vùng đồng bào dân tộc, nên cuộc sống của người dân trở nên ấm no hơn, trình độ dân trí cũng phát triển lên.

Anh Trần Văn Linh, ngụ xã Liêu Tú, huyện Trần Đề chia sẻ: “Ngày trước xưa vùng quê này nghèo lắm, toàn là nhà bằng cây gỗ, mái lợp bằng lá dừa nước; trường học thì xập xệ, việc đi lại, buôn bán rất khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ. Người dân chủ yếu là đi bộ trên đường đất và bơi xuồng len lỏi trên các nhánh sông, kênh, rạch.

Kể từ khi có đường giao thông nông thôn nối ấp liền ấp, xã liền xã như ngày nay, kéo theo nhiều hạ tầng khác (điện, nước, internet,…) giúp cuộc sống của bà con Khmer chúng tôi đã được nâng lên rất nhiều. Người dân làm ăn, buôn bán và sản xuất cũng thuận lợi hơn, nhà cửa kiên cố, con em chúng tôi đều được đi học đàng hoàng, phum sóc giờ đây đã đổi thay”.

Ông Danh Hồng (ngụ xã Liêu Tú, huyện Trần Đề) kể rằng: “Những năm qua bà con đồng bào dân tộc nơi đây rất đoàn kết, chung tay giúp đỡ nhau thoát nghèo, cùng chung tay thực hiện xây dựng “gia đình Văn hóa”…Đặc biệt, vai trò của người có uy tín ở đây cũng bám sát địa bàn, kịp thời tuyên truyền, vận động, giúp nâng cao nhận thức của bà con vùng đồng bào”.

Hết cảnh luỵ đò, người dân bon bon trên đường bê tông hóa về tận phum sóc
Một tuyến đường được nhựa hóa ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng), giúp lưu thông hàng hóa được dễ dàng.

Ưu tiên chăm lo cho đồng bào dân tộc

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Trung Tính, Chủ tịch UBND xã Liêu Tú (huyện Trần Đề) cho biết, thời gian qua, xã đã triển khai thực hiện các chính sách đặc thù, các chương trình, dự án, đề án phát triển vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số…

Công tác dân tộc và chính sách dân tộc được các ngành các cấp tích cực phối hợp triển khai thực hiện đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho người dân đầu tư, phát triển sản xuất.

Tình hình sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm, tạo điều kiện đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong đồng bào dân tộc thiểu số; tình hình an ninh chính trị được giữ vững, ổn định.

“Giai đoạn đầu trước khi thực hiện công tác dân tộc, cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế xã, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt còn thiếu thốn; thu nhập người dân còn thấp, trình độ phát triển sản xuất chưa cao,...”, ông Tính nhìn nhận.

Tuy nhiên, được sự quan tâm, hỗ trợ của Huyện ủy, UBND huyện đầu tư từ cơ sở hạ tầng đến an sinh, chính sách xã hội, nên đời sống người dân từng bước được cải thiện, thu nhập của người dân ngày càng nâng cao. Các công trình kênh nội đồng, mương, bờ bao, cống nội đồng được nạo vét, kiên cố hóa, thường xuyên duy tu, bảo dưỡng...

“Đặc biệt, những tuyến đường giao thông nông thôn được nối liền các ấp, xã liền xã, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tập trung phát triển kinh tế, vận chuyển hàng hóa, giao thông qua lại được thuận tiện”, ông Tính nói.

Cũng theo ông Tính, hiện nay, các ấp đang tiến hành làm tuyến đường nông thôn mới, tuyến đường kiểu mẫu, các tuyến đường này là bộ mặt nông thôn mới của các ấp, có thể kể đến các tuyến đường Bưng Triết (xóm 2), tuyến đường xóm phố Bưng Buối.

“Thời gian tới, xã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (giai đoạn 2021 – 2025). Đồng thời, rà soát, tổng hợp danh sách các hộ thụ hưởng chính sách dân tộc như: đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, chuyển đổi ngành nghề; công trình giao thông nông thôn... để có phương án hỗ trợ, xây dựng kịp thời”, ông Tính cho hay.

Ông Trần Quốc Thống, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng cho biết, những năm qua, phong trào xây dựng Nông thôn mới bằng hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trên địa bàn tỉnh nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân.

“Đến nay, hệ thống đường giao thông nông thôn của tỉnh Sóc Trăng đã phát triển đồng bộ, gắn với hệ thống đường huyện, tỉnh, Quốc lộ tạo mạng lưới liên hoàng nên đã khai thông từ nông thôn đến thành thị.

Từ đó, lượng hàng hóa được vận chuyển lưu thông, buôn bán của người dân nông thôn cũng dễ dàng, thu nhập được nâng lên góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn”, ông Thống cho hay.

Cũng theo ông Thống, năm 2021, các cấp chính quyền đã đầu tư xây dựng trên 3.000km đường và cầu giao thông nông thôn, với tổng số vớn gần 3.000 tỷ đồng

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 100% đường ô tô đã đến được trung tâm xã, phường, thị trấn; 44/80 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới... Từ đó, tạo nền tảng phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội vùng nông thôn của tỉnh.