Một cô gái (27 tuổi) ở thành phố Tế Nam của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã phải vào viện để kiểm tra sức khỏe, sau một thời gian dài bị bố mẹ gia tăng sức ép tìm bạn trai để kết hôn. Kết quả, các bác sĩ chẩn đoán nữ bệnh nhân mắc chứng rối loạn lo âu.
Theo Shanhai Video, trước khi quyết định tới bệnh viện thăm khám, cô gái đã trải qua cơn hoảng loạn với triệu chứng khó thở, tê cóng và co giật.
Cô gái được chẩn đoán mắc chứng lo âu và tình trạng khó thở xuất phát từ chứng kiềm hóa hô hấp do giảm nồng độ CO2 trong máu.
Bác sĩ điều trị cho nữ bệnh nhân là ông Chen Liang cho biết, các triệu chứng của cô gái bắt đầu xuất hiện sau khi cô có cuộc tranh cãi nảy lửa với bố mẹ về chuyện kết hôn.
“Bệnh nhân nói rằng bố mẹ cô ấy liên tiếp gây sức ép về chuyện lấy chồng. Thực tế, cô ấy đã không thể chịu đựng được thêm và xảy ra cãi vã lớn với bố mẹ”, bác sĩ Chen cho hay.
“Sau lần xung đột, cô ấy cảm thấy phần ngực bị co thắt, và cô ấy đã thở gấp”, ông Chen nói thêm.
Cũng theo ông Chen, phần lớn bệnh nhân mắc chứng kiềm hóa hô hấp đều bị rối loạn lo âu.
“Điều trị căn bệnh này khá đơn giản. Bệnh nhân chỉ cần đeo mặt nạ dưỡng khí để điều tiết nhịp thở, bệnh nhân cũng cần phải bình tĩnh để làm giảm cơn lo âu”, ông Chen cho biết.
Ngoài ra, bác sĩ Chen nhấn mạnh những người bị lo lắng và kiềm hóa hô hấp cần kiểm tra y tế ngay lập tức, nếu như các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm.
Câu chuyện buồn của cô gái đã nhận được sự đồng cảm lớn từ cộng đồng mạng Trung Quốc. Nhiều người nhấn mạnh các bậc phụ huynh đang tạo ra sức ép không thể chịu nổi đối với con cái về chuyện kết hôn.
“Tôi sẽ gửi video này cho mẹ mình xem. Hy vọng, tôi có thể có vài ngày bình yên”, một cư dân mạng Trung Quốc viết.
“Chuyện ngày nay độc thân ở tuổi 27 – 28 không phải là bình thường hay sao? Các ông bố bà mẹ nên cho con cái thêm sự tự do”, một người khác viết.
Trên thực tế, kết hôn muộn đang là xu thế ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Trong khi đó, quốc gia này cũng đang chứng kiến tình trạng sụt giảm liên tiếp số lượng đăng ký kết hôn trong gần 10 năm qua.
Sau khi đạt con số đỉnh điểm 13,5 triệu đăng ký kết hôn mới vào năm 2013, số lượng cặp đôi đi đăng ký đã giảm liên tục trong vòng 8 năm qua ở Trung Quốc. Theo số liệu từ Bộ Dân chính, Trung Quốc chỉ có 7,6 triệu đăng ký kết hôn mới trong năm 2021. Con số này tương đương với tỷ lệ cứ 1.000 người chỉ có khoảng 5 người kết hôn.
Ngoài ra, xu hướng “kết hôn muộn” nhắc tới những nam nữ quyết định về chung một nhà trong độ tuổi từ 25 – 29 đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc những năm gần đây, thay vì trước đây phần lớn người dân kết hôn trong độ tuổi từ 20 – 24.
Tuy nhiên, kết hôn sớm ở Trung Quốc vẫn được xem là yếu tố quan trọng trong việc con cái hoàn thành trách nhiệm nghĩa vụ với bố mẹ, tư tưởng đã ăn sâu vào tiềm thức của những thế hệ lớn tuổi ở đất nước tỷ dân.
Song việc gia tăng sức ép với con cái về chuyện kết hôn lại thường là nguồn cơn gây xung đột trong nhiều gia đình.
Như vào năm 2016, do không thể chịu được sức ép yêu cầu lấy chồng và sinh con từ phía gia đình, một cô gái (28 tuổi) đã tự dùng dao đâm vào bụng sau trận cãi vã với người mẹ.
“Tôi căm thù cái tử cung, vì nó chính là cái còng của người phụ nữ”, cô gái nói vào thời điểm xảy ra vụ việc./.