Nhiều công trình giao thông đang thi công ở Hậu Giang có tiến độ thi công rất chậm.

Cụ thể như dự án ĐT931 (đoạn từ thị trấn Vĩnh Viễn đến QL61C) khởi công vào tháng 12/2018 với tổng mức đầu tư trên 400 tỉ đồng. Theo dự tính ban đầu, con đường này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh .

Tuy nhiên tính đến ngày 23/8/2021, tổng khối lượng thực hiện công trình này chỉ đạt gần 300 tỷ đồng (chiếm khoảng 75%), đã giải ngân trên 280 tỷ đồng.

Hậu Giang: “Điểm mặt” các dự án thi công chậm
Hậu Giang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp tăng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đơn vị thi công, thời gian thực hiện giãn cách xã hội vừa qua công trình tạm ngừng thi công do khó bố trí “3 tại chỗ”. Còn phía chủ đầu tư thông tin, dự kiến đến tháng 11/2021 mới thông tuyến toàn bộ hơn 10km.

Các dự án đường ôtô về trung tâm xã Đông Phước A (huyện Châu Thành), Đường tránh thị trấn Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ), Đường Tây Sông Hậu (TP Vị Thanh)… cũng tạm dừng thi công trong thời gian giãn cách xã hội do không thể áp dụng “3 tại chỗ”.

Lý do là đa số nhà thầu các có trụ sở tại TP Cần Thơ nên không thể vào tỉnh Hậu Giang. Bởi phía Hậu Giang quy định bắt buộc cách ly y tế từ 14 - 21 ngày đối với người từ Cần Thơ vào Hậu Giang. Do đó, các đơn vị thi công không đủ nhân sự để bố trí.

Ngoài ra, cũng do giãn cách xã hội, nên các nhà thầu không thể thực hiện công tác thí nghiệm. Từ đó, các chủ đầu tư, tư vấn giám sát không đủ cơ sở cho phép nhà thầu thực hiện các bước thi công tiếp theo.

Nhiều nhà cung cấp vật tư, thiết bị láng nhựa quyết định tạm ngưng cung cấp trong thời gian thực hiện giãn cách do việc di chuyển khó khăn và các thủ tục liên quan phức tạp cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT tỉnh Hậu Giang vào ngày 30/8, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 tỉnh giao trên 2.900 tỷ đồng. Trong đó, vốn bố trí thực hiện các dự án trên 2.270 tỷ. Nhưng tổng khối lượng thực hiện và giải ngân tính đến ngày 30/8 mới đạt trên 50%, thấp hơn 7% so với cùng kỳ.

Riêng nguồn vốn từ năm 2020 kéo dài sang năm 2021 tỉnh phân bổ trên 440 tỷ đồng. Trước đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu giải ngân nguồn vốn kéo dài đến ngày 30/6/2021 phải đạt 100%. Nhưng qua 8 tháng, giải ngân nguồn vốn này chỉ đạt khoảng 47%.

Thông tin từ Sở KH-ĐT tỉnh Hậu Giang, khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chưa đạt yêu cầu chủ yếu do thời gian lập thủ tục kéo dài, tiến độ thực hiện chậm. Một số chủ đầu tư còn thiếu chủ động trong quản lý tiến độ, đặc biệt là công tác rà soát giải ngân từng dự án được giao.

Mặt khác, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và trong thời gian tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, các nhà thầu không đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch phải tạm thời ngừng triển khai thi công nên khối lượng thực hiện và giá trị giải ngân chưa cao.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, các dự án thuộc lĩnh vực giao thông, đặc thù không giống các công trình dân dụng, nông nghiệp, nên trong thời gian giãn cách xã hội đã gặp nhiều khó khăn khi triển khai, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh mới đây, ông Trương Minh Kiêm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết: “Có 8 công trình giao thông của Ban Quản lý dự án tạm ngưng thi công trong thời gian giãn cách xã hội.

Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 giảm, các công trình được phép triển khai lại, chủ đầu tư sẽ làm việc với tất cả đơn vị thi công, xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn trên từng dự án”.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng hơn 1,5 tháng qua, giá trị giải ngân chỉ tăng lên khoảng 8%. UBND tỉnh đề nghị các Sở, ngành, chủ đầu tư quyết liệt tập trung giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2021.

Hậu Giang: “Điểm mặt” các dự án thi công chậm
Thi công dự án mở rộng, nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Ông Thanh yêu cầu phải phấn đấu đến cuối tháng 9 giải ngân đạt 70%; đến cuối tháng 12/2021 giải ngân đạt từ 95 - 100% nguồn vốn được giao từ đầu năm. Đây là việc làm khó, nhưng các ngành, địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, lập tiến độ thực hiện và giải ngân từng hạng mục nhất định. Chủ đầu tư tăng tốc thi công nhưng phải đảm bảo chất lượng công trình.

UBND tỉnh Hậu Giang giao Sở Xây dựng hướng dẫn các chủ đầu tư, đơn vị thi công, triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới đối với các công trình xây dựng trên địa bàn Hậu Giang. Sở KH-ĐT tiếp tục rà soát các dự án đã cho chủ trương đầu tư nhưng đến nay chậm tiến độ, kiên quyết đề xuất, xử lý theo quy định. Đồng thời, trình phân bổ hết nguồn vốn còn lại thuộc ngân sách địa phương.

Để góp phần thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, mới đây bà Nguyễn Thị Màu, Phó giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Hậu Giang đã đề nghị các chủ đầu tư chủ động rà soát, thực hiện mọi biện pháp để giải ngân đạt 100% vốn được giao đầu năm.

Đồng thời, các chủ đầu tư có văn bản cam kết về tỷ lệ giải ngân vốn. Tăng cường đấu thầu qua mạng; đôn đốc tiến độ thi công, thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đôn đốc và xử lý nghiêm theo quy định các nhà thầu chậm tiến độ.

Như vậy, dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng khi vừa cơ bản khống chế được tình hình dịch Covid - 19 trên địa bàn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang bắt tay ngay vào các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Trong đó, tiếp tục kiên định mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công bằng nhiều giải pháp mạnh mẽ. Các chủ đầu tư cũng đang gấp rút xây dựng phương án thi công gắn với công tác phòng chống dịch bệnh nhằm sớm đưa công trình, dự án trên địa bàn tỉnh khởi động trở lại.