Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 29/01/2018 của UBND tỉnh Nghệ An về tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An... kết quả không đạt yêu cầu đề ra. Vì sao?
Không phép, gây t.ử v.ong vẫn... mở cửa?!
Sáng ngày 9/1/2019, ông Ngũ Văn C (Sinh năm 1959, trú xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An) đến phòng khám nha khoa Hoài Giang (khối 9, thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, Nghệ An) để làm răng. Tại phòng khám nha khoa, trong quá trình làm răng, ông C ngất xỉu và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương lúc 11 giờ 39 phút trong trạng thái ngừng tuần hoàn.
Sau khi được các bác sĩ cấp cứu tim đập lại, ông C được chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Do tình trạng bệnh quá nặng, ông C đã t.ử v.ong ngay sau đó... Trước thời điểm xảy ra sự cố, nha khoa Hoài Giang từng bị đoàn kiểm tra Sở Y tế Nghệ An lập biên bản và yêu cầu huyện Thanh Chương đóng cửa do hoạt động không phép.
Sáng 17/3/2020, phòng khám này vẫn đón khách như chưa có chuyện xảy ra
Những tưởng, sau ca t.ử v.ong của ông C, phòng khám nha khoa Hoài Giang sẽ được huyện Thanh Chương quyết liệt dẹp bỏ. Song sự thực thì phòng khám này vẫn tiếp tục mở cửa hoạt động trong những tháng ngày sau đó.
Và 7 tháng sau ngày xảy ra sự cố, phòng khám này mới “chính thức” được cơ quan chức năng huyện “sờ gáy”. Cụ thể, vào ngày 10/8/2019, đoàn Kiểm tra liên ngành huyện Thanh Chương đã tới kiểm tra phòng khám nha khoa Hoài Giang và lập biên bản vi phạm.
Biên bản kiểm tra ghi rõ: Chủ cơ sở nha khoa Hoài Giang là bà Nguyễn Thị Hoài. Kết quả kiểm tra, cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh; không xử lý chất thải theo quy định. Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở đóng cửa, bổ sung các điều kiện vật chất mới được tiếp tục hoạt động; giao UBND xã kiểm tra giám sát khi nào đủ các điều kiện mới cho mở hành nghề trở lại... (Biên bản của đoàn kiểm tra liên ngành của huyện không ghi rõ việc phòng khám nha khoa này chưa có giấy phép hoạt động, chủ phòng khám chưa có chứng chỉ hành nghề. Bản thân dòng chữ “giao UBND xã kiểm tra giám sát khi nào đủ các điều kiện mới cho mở hành nghề trở lại” được ghi bằng loại mực khác, có sự bất hợp lý nhất định).
Được đoàn liên ngành yêu cầu đóng cửa nhưng từ thời điểm tháng 8/2019 đến nay, phòng khám này vẫn cứ liên tục mở cửa đón bệnh nhân. Sáng ngày 17/3/2020, theo ghi nhận của phóng viên, hoạt động khám, chữa bệnh ở cơ sở nha khoa này vẫn diễn ra... Tại sao phòng khám không phép từng gây sự cố chết người vẫn ngang nhiên hoạt động ?
Một bác sĩ ở huyện Thanh Chương nói thẳng: Năng lực cán bộ, năng lực quản lý Nhà nước của cơ quan chức năng quá yếu. Nhiều khả năng có tình trạng bảo kê cho vi phạm. Không lý gì phòng khám trái phép mở giữa thị trấn, nằm mặt đường Quốc lộ 46A lại không ai thấy. Ở Thanh Chương, không riêng gì Nha khoa Hoài Giang mà còn nhiều phòng nha, cơ sở Đông y, siêu âm không phép khác vẫn đang hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Thìn, Phó Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Chương cho biết: Triển khai Chỉ thị 03/CT-UBND của UBND tỉnh Nghệ An, huyện Thanh Chương đã quán triệt đầy đủ các văn bản của cấp trên xuống cơ sở; xây dựng kế hoạch triển khai; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập ít nhất 2 lần/năm; yêu cầu UBND các xã, thị trấn ký cam kết không để cơ sở không phép hoạt động trên địa bàn; chỉ đạo các xã thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý các cơ sở hành nghề y dược không phép... Việc thực hiện Chỉ thị 03 đã được xem là 1 tiêu chí thi đua trong đánh giá xếp loại các đơn vị. Đến nay, toàn huyện có 206 cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập có phép. Cơ sở hành nghề không phép giảm từ 87 cơ sở xuống còn 19 cơ sở.
Ông Thìn cho hay: “Các cơ sở không phép đã được huyện yêu cầu đóng cửa, yêu cầu xã giám sát nhưng “làm phúng” (làm lén). Phòng khám nha khoa Hoài Giang là một điển hình. Huyện không có lực lượng ứng trực 24/24h được. Cấp xã thì do nể nang đã không làm quyết liệt. Ở huyện cũng có cái khó khi quy định xử phạt quá cao. Nếu phạt mà không thu được thì mất đi uy lực, hiệu quả của xử phạt hành chính”.???
Lý do phòng khám nha khoa Hoài Giang không phép vẫn ngang nhiên hoạt động được ông Trần Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương biện giải: “Chúng tôi cũng kiểm tra, nhắc nhở rằng bây giờ khó khăn anh chị chưa đủ điều kiện thì cố gắng hoàn thiện. Cơ sở cũng hứa là vài ba tháng nữa sẽ thuê được người, được bằng. Về quản lý nhà nước, cơ sở không đủ điều kiện thì đóng thôi nhưng thực tế khó khăn khi cũng là con em lao động mình cả. Thực tế chung cả tỉnh đều thế?”.
Chính quyền cở sở ở đâu? Làm gì?
Những biện giải của cơ quan chức năng huyện Thanh Chương đã cho thấy thực trạng đáng buồn của việc thực hiện Chỉ thị 03 CT-UBND của UBND tỉnh Nghệ An hiện nay. Sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng vẫn đang diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau. Và không riêng huyện Thanh Chương, tại nhiều địa phương khác trong tỉnh, công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập cũng chưa được thực hiện tốt.
Dược sĩ Lê Hồng Lĩnh, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược, Sở Y tế Nghệ An cho biết: Tổng số cơ sở y, dược được cấp phép trên địa bàn tỉnh hiện nay là 2.925 cơ sở, bao gồm 544 cơ sở hành nghề y và 2.381 hành nghề dược.
Tổng số cơ sở hành nghề y, dược không có giấy phép được các huyện rà soát, báo cáo trước khi ban hành chỉ thị số 03/CT-UBND là 685 cơ sở; sau khi triển khai Chỉ thị, đến ngày 29/02/2020 còn 165 cơ sở (giảm 520 cơ sở)... Việc chấn chỉnh hoạt động hành nghề y dược tư nhân đã không đạt yêu cầu đề ra.
Năm 2019, đoàn kiểm tra, giám sát của Sở Y tế đã phát hiện 40 phòng khám răng hàm mặt không phép đang hoạt động tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Yên Thành, Kỳ Sơn, Thanh Chương, Tương Dương. Điều đáng nói cả 40 cơ sở hành nghề không phép được phát hiện đều nằm ngoài danh sách hành nghề không phép do các huyện báo cáo và đã thông báo cho UBND huyện để xử lý theo quy định... Như vậy, 165 cơ sở không phép được báo cáo hiện nay đang thấp hơn so với số cơ sở hành nghề không phép thực tế.
Theo Sở Y tế Nghệ An: Tình trạng cơ sở hành nghề y, dược không phép vẫn tồn tại là do UBND huyện, thành thị, chưa thực hiện nghiêm, thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, dẫn đến một số cơ sở đã bị đình chỉ, sau đó tái hoạt động lại.
Chính quyền các cấp chưa thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của mình theo tinh thần Chỉ thị 03/CT-UBND và chưa có các giải pháp thích hợp để giải quyết triệt để hành nghề không phép trên địa bàn. Việc xử phạt vi phạm hành chính không nghiêm, chưa quyết liệt, có huyện số tiền xử phạt vi phạm ít, còn có huyện kiểm tra hành nghề không phép, nhưng không xử phạt hành chính như huyện Thanh Chương, Con Cuông, Kỳ Sơn nên vẫn còn cơ sở hành nghề không phép hoạt động.
Một số huyện bố trí nhân lực liên ngành trong công tác kiểm tra hành nghề y, dược tư nhân chưa hợp lý, chủ yếu là giao phó trách nhiệm cho Phòng Y tế là chính, các ngành khác tham gia không đầy đủ và chưa nêu cao trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa được duy trì thường xuyên, có lúc thiếu kịp thời. TS.BS.CKII Đậu Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho rằng: Các cấp, ngành cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm để xử lý triệt để đối với cơ sở hành nghề không phép trên địa bàn. Về phía ngành y tế sẽ đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra hành nghề y, dược tư nhân; chỉ đạo và phối hợp với UBND cấp huyện kiểm tra đột xuất xử lý đối với cơ sở hành nghề không phép tại các huyện.
UBND cấp huyện cần đẩy mạnh hơn công tác truyền thông về các quy định của pháp luật trong hành nghề y, dược tư nhân; tăng cường thực hiện các biện pháp quyết liệt để xóa bỏ các cơ sở hành nghề không phép trong thời gian sớm nhất và đăng tải những cơ sở hành nghề này lên thông tin đại chúng để người dân biết, cùng phối hợp giám sát; giao UBND cấp xã quản lý chặt chẽ hoạt động hành nghề y, dược không phép trên địa bàn quản lý của mình và nếu để có hành nghề không phép thì Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện; đưa công tác quản lý hành nghề y, dược vào tiêu chí xếp loại thi đua hàng năm cho UBND cấp xã.