Có hàng triệu lao động bị thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song chỉ một tỷ lệ rất nhỏ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Nguyên nhân do đâu và giải pháp nào để giúp họ giảm bớt khó khăn hiện đang phải đối mặt?

Hàng triệu lao động thất nghiệp trông cậy vào đâu?
Hàng triệu người lao động mất việc làm nhưng không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ vì DN chậm, trốn đóng BHXH (Ảnh minh họa)

Kinh tế khó khăn bởi dịch Covid-19 kéo dài, hàng loạt doanh nghiệp rơi vào cảnh chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Tình trạng này khiến hàng triệu lao động bị mất quyền thụ hưởng từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp và gói hỗ trợ của Nhà nước.

“Quýt làm cam chịu”

Chị Nguyễn Thị Oanh (Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội) từng làm việc cho một công ty thiết kế nội thất tại Hà Nội. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu của công ty giảm mạnh nên chị bị buộc thôi việc từ tháng 4/2021.

Với thời gian làm việc hơn 2 năm, được công ty đóng bảo hiểm đầy đủ theo mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng, chị Oanh nhanh chóng được giải quyết 4 tháng trợ cấp thất nghiệp (khoảng hơn 3,5 triệu đồng/tháng).

Chị Oanh cho biết, dù không có thu nhập nhưng mức hỗ trợ này cũng đủ để chị chi tiêu trong thời gian tìm việc mới.

Tuy nhiên, không phải lao động nào khi thôi việc cũng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như chị Oanh. Anh Trần Minh Phương, nguyên phó Tổng giám đốc Công ty CP Macca Nutrition Việt Nam (Macca Nutrition) cho biết, anh ký hợp đồng lao động với Macca Nutrition từ tháng 4/2019, bắt đầu trích lương để đóng BHXH từ tháng 12/2019.

Tuy nhiên, đến giữa năm 2020, khi nhận được giấy thông báo nợ BHXH, anh mới biết dù được trích lương nhưng Macca Nutrition không hề đóng bảo hiểm cho mình và hàng loạt nhân viên khác.

“Khi được hỏi thì công ty lấy lý do khó khăn bởi dịch Covid-19. Tính tới tháng 1/2021, tổng số tiền tôi bị công ty nợ lương, nợ bảo hiểm lên tới gần 400 triệu đồng. Bị nợ lương nhưng tôi và nhiều lao động khác không tiếp cận được gói hỗ trợ cũng như hưởng trợ cấp thất nghiệp, lý do là bởi công ty đang nợ BHXH”, anh Phương nói.

Theo quy định đối với gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng có hiệu lực từ tháng 7, ngoài nhóm lao động tạm ngừng làm việc từ 15 ngày trở lên thì lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng được hỗ trợ 1 lần, mức hơn 3,7 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, rất ít người trong số lao động bị mất việc có hồ sơ nhận hỗ trợ đáp ứng đủ điều kiện.

“Theo Quyết định 23 hướng dẫn thực hiện gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, đang tham gia BHXH bắt buộc chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1/5 đến hết ngày 31/12/2021 mới được nhận hỗ trợ. Do vậy những người bị mất việc từ trước 1/5, hoặc không được đóng BHXH tính tới tháng liền kề trước thời điểm xin hỗ trợ cũng không đủ điều kiện. Đáng nói nhóm lao động này làm việc cho công ty, có thoả thuận và được trả lương nên cũng không được xét vào diện lao động tự do để nhận trợ cấp”, ông Thảo lý giải.

Chính vì vậy, sau gần 2 tháng triển khai gói 26 nghìn tỷ đồng, Hà Nội mới có 1 lao động mất việc làm, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được giải quyết nhận khoản hỗ trợ hơn 3,7 triệu đồng.

Thông tin từ BHXH Việt Nam cho biết, năm 2020 tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng 15,5% tương đương 1.566 tỷ đồng so với năm 2019.

Trong đó có 1.767 tỷ đồng nợ của các doanh nghiệp đã giải thể, phá sản khó thu hồi. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến việc thanh tra, kiểm tra bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến số nợ tăng lên.

Ngay tại TP.HCM, địa phương đang chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, thống kê tới tháng 8/2021, có khoảng 839 đơn vị đang nợ BHXH kéo dài trên 6 tháng với số tiền từ 300 triệu đồng trở lên.

Hàng triệu lao động bị trốn đóng, nợ đóng BHXH

Trong 4 trận “bão” dịch Covid-19 vừa qua, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban Truyền thông, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay, tới thời điểm này, có tới 90% doanh nghiệp trong ngành dịch vụ du lịch dừng hoạt động, số còn lại đều trong tình trạng tạm dừng hầu hết hợp đồng lao động, chỉ giữ lại những nhân sự chủ chốt.

Tuy nhiên, đối với những lao động mất việc muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp đòi hỏi doanh nghiệp phải đóng đầy đủ BHXH, không được nợ dù chỉ 1 tháng.

Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ LĐ, TB&XH), tới nay đã có gần 80 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 25,5% so với cùng kỳ 2020. Trong quý II, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó có 557 nghìn người bị mất việc, chiếm 4,4%; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%.

Trong khi đó, theo Nghị quyết 42, từ tháng 4/2020, đối tượng chủ sử dụng lao động gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được phép tạm dừng đóng BHXH nhưng không được nợ quá 12 tháng.

Như vậy tới tháng 4/2021 là thời hạn các doanh nghiệp phải đóng tiền trả nợ cho BHXH.

Thế nhưng dịch bệnh kéo dài, nhiều đơn vị không có nguồn thu nên vẫn bị chậm, nợ đóng BHXH.

“Rồi khi Nghị quyết 68 có hiệu lực, doanh nghiệp lại được tiếp tục tạm dừng đóng tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất. Vậy nhưng khi có lao động ốm đau hoặc nghỉ việc, muốn được giải quyết chế độ thì buộc doanh nghiệp lại phải thanh toán đầy đủ cho BHXH, vậy chính sách hỗ trợ ở đây còn có ý nghĩa gì?”, ông Hoan băn khoăn.

Ông Hoan dẫn ví dụ tại Công ty CP Flamingo Redtours, nơi ông đang làm tổng giám đốc, để giải quyết cho số nhân viên thôi việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp, doanh nghiệp đã phải thanh toán gần 1 tỷ đồng tiền nợ BHXH trong khoảng thời gian từ tháng 4- 8/2021.

“Để chốt BHXH cho người lao động, đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực, tích luỹ trong thời gian dài. Tuy nhiên, có rất nhiều doanh nghiệp khác rơi vào cảnh kiệt quệ, không có nguồn để thanh toán nợ BHXH. Dù Nhà nước cho phép chủ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để trả lương cho người lao động nhưng nếu vay mà không hoạt động, không tạo ra sản phẩm thì liệu có ai dám vay?”, ông Hoan nói và bày tỏ, vẫn biết rằng trách nhiệm đóng BHXH là của doanh nghiệp, nhưng trong bối cảnh khó khăn, nên chăng Nhà nước có giải pháp tháo gỡ. Chẳng hạn có thể cho phép để doanh nghiệp đứng ra ký giấy xác nhận nợ, khoanh nợ BHXH, tạo điều kiện cho người lao động tại doanh nghiệp đó được chốt sổ bảo hiểm để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thừa nhận tình trạng người lao động bị mất việc không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp, cũng không được nhận hỗ trợ từ gói 26 nghìn tỷ đồng, bà Phạm Thị Thanh Việt, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ, TB&XH cho biết: “Theo thống kê, số lao động bị trốn đóng, nợ đóng BHXH đã lên đến hàng triệu người. Thế nhưng nguồn ngân sách hạn chế, chỉ có thể hỗ trợ những đối tượng cực kỳ khó khăn theo đúng quy định pháp luật. Do vậy, dù nhìn ra vấn đề nhưng ngay lúc này, cơ quan dự thảo chính sách cũng không thể nghĩ ra cách để giải quyết được bài toán đối với các trường hợp vi phạm pháp luật”.

Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, bà Việt cho rằng rất cần chung tay, huy động nguồn lực từ các địa phương, tổ chức hoạt động xã hội để đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Tính tới hết tháng 8, báo cáo của BHXH Việt Nam cho biết: Cơ quan BHXH đã rà soát và thông báo cho khoảng 375.200 đơn vị sử dụng lao động với gần 11,33 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 - 6/2022 với tổng số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 45.000 người lao động, tổng số tiền tạm dừng đóng trên 293,6 tỷ đồng.

Đối với nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, đến nay đã hỗ trợ được cho khoảng 2,12 triệu người lao động với số tiền gần 3.290 tỷ đồng.

Trong đó, hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trên 174,7 tỷ đồng; hỗ trợ người lao động ngừng việc trên 4,3 tỷ đồng; hỗ trợ gần 1,2 triệu người lao động tự do với tổng kinh phí gần 2.180 tỷ đồng; hỗ trợ gần 700 nghìn đối tượng đặc thù với kinh phí trên 731 tỷ đồng;

Hỗ trợ cho 1.050 viên chức hoạt động nghệ thuật và 400 hướng dẫn viên du lịch với tổng số tiền trên 4,1 tỷ đồng; gần 26.800 hộ kinh doanh với tổng số tiền hỗ trợ là gần 74,5 tỷ đồng;

Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân số tiền 185,5 tỷ đồng để trả lương cho 53.581 lượt người lao động.

Tổng cộng đã hướng dẫn, hỗ trợ cho trên 13,5 triệu người lao động và đối tượng khác, trên 375.800 người sử dụng lao động với khoảng trên 8.000 tỷ đồng.