Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên năm nay, người nuôi cá lồng bè của huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ cá nuôi.

Toàn huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 200 hộ nuôi với khoảng 1.120 lồng. Theo ước tính của ngành chuyên môn, huyện Kiên Hải đang tồn đọng sản lượng thủy hải sản rất lớn, riêng cá lồng bè các loại có trên 180 tấn. Nhiều năm liền, nghề nuôi trồng thủy sản đã giúp tăng thu nhập cho hộ gia đình, giải quyết công ăn việc làm cho người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh chính trị của huyện.

Tuy nhiên, 2 tháng gần đây, cá đến lứa không xuất bán được mặc dù, giá cá đã giảm sâu từ 15-30%. Không tìm được đầu ra nên các hộ nuôi vẫn phải tốn chi phí cho cá ăn để cầm cự. Có hộ mỗi ngày tốn hàng triệu đồng để mua thức ăn cho cá, nguồn thức ăn cho cá lại khan hiếm nhưng không biết đến bao giờ mới có thể tiêu thụ được.

“Tôi còn tới mười mấy tấn không có đầu ra mà ăn một ngày 400-500kg mồi mà không có mồi để cho ăn, gặp nhiều khó khăn lắm”, bà Võ Thị Thắm, người nuôi ở xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải lo lắng.

Hàng trăm tấn cá lồng bè chưa có đầu ra
Cá đến lứa không xuất bán được, mỗi ngày vẫn phải tốn chi phí mua thức ăn cho cá để cầm cự

Trong tổng số 180 tấn cá tồn các loại, cá bớp chiếm số lượng nhiều nhất, với 84 tấn. Đây là loại cá có trọng lượng lớn, phục vụ xuất khẩu, xuất bán cho thị trường TP.Hồ Chí Minh, các nhà hàng, các chợ trong tỉnh. Thông thường cá đạt 4,5kg/con, người dân sẽ xuất bán. Nhưng hiện nay, đa số cá bớp tại huyện Kiên Hải có trọng lượng từ 6,5 kg-7,5 kg/con. Nếu giá bán được 180.000 đồng/kg thì người nuôi cá có thể lời 10 triệu đồng/lồng chưa trừ công chăm sóc. Để mua 1 con cá, số tiền bỏ ra cả triệu đồng. Do vậy, dù huyện Kiên Hải, Hội nông dân tỉnh Kiên Giang có kêu gọi người dân mua hỗ trợ bà con huyện đảo nhưng số lượng không được nhiều.

“Giờ cá quá cỡ rồi, nhưng đầu ra không có, nuôi càng ngày càng lớn bán không được, thức ăn cũng hạn chế. Mong cơ quan có thẩm quyển tiếp cho hợp tác xã chúng tôi”, ông Nguyễn Chiến Thắng ở xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải nêu khó khăn.

Theo ước tính của ngành chuyên môn, huyện Kiên Hải đang tồn đọng sản lượng thủy hải sản rất lớn, riêng cá các loại có trên 180 tấn. Làm thế nào để giúp người dân tiêu thụ sản lượng này là thách thức vô cùng lớn đối với các cấp, các ngành của huyện. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ huyện đăng tải thông tin chi tiết về số lượng, giá cả, sản phẩm lên các trang web trực thuộc sở, ngành, liên hệ một số đầu mối để giúp huyện tìm kiếm đầu ra nhưng tất cả mới dừng lại ở phạm vi tiêu thụ nhỏ lẻ.

Hàng trăm tấn cá lồng bè chưa có đầu ra
Người nuôi cá lồng bè Kiên Hải đang gặp khó khăn do không tiêu thụ được sản phẩm

“Để tháo gỡ khó khăn về kết nối tiêu thụ nông sản, thuỷ sản trên địa bàn, huyện Kiên Hải cũng đề nghị các cấp các ngành ngồi lại để bàn bạc tình hình khó khăn trong từng khâu tiêu thụ, cụ thể là đầu ra, khâu vận chuyển, thủ tục vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn, liên kết đối với các tỉnh có nhu cầu về tiêu thụ hàng thuỷ sản, tạo mọi điều kiện để người dân tiêu thụ”, ông Đặng Tùng Long, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiên Hải cho biết.

Bên cạnh việc đề xuất, kiến nghị với sở, ngành cấp trên, ngành Nông nghiệp huyện Kiên Hải coi việc tiếp tục nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho cá nuôi lồng bè là nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian tới. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương theo dõi tình hình nuôi trồng thủy sản, nắm bắt thông tin dịch bệnh, dịch hại trong nuôi lồng bè để có biện pháp xử lý kịp thời. Điều mong mỏi duy nhất của người dân huyện đảo là làm sao dịch bệnh sớm được đẩy lùi, kiểm soát để cuộc sống sớm trở lại bình thường, người dân thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và thủy hải sản./.