Cụ thể, trong thông báo các doanh nghiệp có số nợ lớn tháng 10, Chi cục thuế TP. Vinh (Nghệ An) cho hay có 168 doanh nghiệp nợ thuế “khủng” hơn 460 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Công ty TNHH Thương mại Minh Khang có địa chỉ tại số 9-11E, đường Trần Phú, phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh nợ hơn 310 tỷ đồng và đứng đầu trong danh sách các doanh nghiệp nợ thuế ở địa phương này. Doanh nghiệp này bị cưỡng chế tài khoản để nộp gần 305 tỷ đồng nợ thuế.
Công ty Thương mại Minh Khang được biết đến là chủ đầu tư dự án “Tổ hợp khách sạn, siêu thị kinh doanh dược - thiết bị vật tư y tế và nhà ở” tại xã Nghi Phú, TP. Vinh (Nghệ An). Dự án được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 521/QĐ.UBND.ĐT ngày 6/2/2007.
Theo phê duyệt ban đầu, dự án gồm 1 khách sạn 3-4 sao diện tích 3.792 m2; siêu thị dược - thiết bị y tế, văn phòng cho thuê 3.350 m2; khu khám chữa bệnh 368 m2; nhà ở liền kề 115 m2/50 hộ, nhà biệt thự 350 m2/15 hộ, nhà phố vườn 184 m2/15 hộ, nhà ở xã hội và nhà công nhân viên từ 45 - 90 m2/90 hộ; đất giao thông 1,35 ha; đất cây xanh 1,39 ha... Dự án được triển khai từ năm 2010. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai liên tục vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng.
Tại Nghệ An, Công ty Minh Khang còn là chủ đầu tư dự án Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn, được đi vào hoạt động từ ngày 15/1/2009 với tổng vốn đầu tư 175 tỷ đồng, diện tích 10.000 m2. Tuy nhiên, năm 2016, Công ty Minh Khang từng vướng vào vụ lùm xùm nợ lương cán bộ, nhân viên bệnh viện này và đến nay đã ngừng hoạt động.
Tiếp đến trong danh sách này là Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng & Xây lắp thương mại BMC nợ hơn 55 tỷ đồng. Công ty này là chủ đầu tư dự án Trung tâm thương mại và chung cư cao tầng BMC với 2 toà nhà cao 20, 18 tầng, nằm trên khu "đất vàng" tại trục đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Hưng Bình, TP. Vinh.
Trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư đã nhiều lần xin điều chỉnh, gia hạn thời gian hoàn thành dự án nhưng đến nay vẫn dang dở, "đắp chiếu" nhiều năm nay.
Cũng trong danh sách này, Công ty cổ phần Xây dựng 16 Vinaconex nợ hơn 45 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xây dựng Sơn Hà nợ khoảng 7 tỷ đồng… Tất cả các doanh nghiệp kể trên đều bị cưỡng chế tài khoản để thu hồi nợ thuế.
Bên cạnh đó, 13 doanh nghiệp thuộc quản lý của Chi cục khu vực Bắc Nghệ 1 nợ thuế gần 26 tỷ đồng, trong đó nhiều doanh nghiệp bị Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Nghệ An thu hồi giấy phép hoạt động sản xuất kinh doanh hay bị áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hoá đơn.
Ngoài ra, Chi cục khu vực Sông Lam II “bêu tên” 53 doanh nghiệp có tổng nợ thuế hơn 15 tỷ đồng, trong đó, nhiều doanh nghiệp bị cưỡng chế nợ thuế bằng cách trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp…
Trước thực tế số tiền nợ thuế lớn, Cục Thuế tỉnh Nghệ An đang đề ra nhiều giải pháp để thực hiện thu hồi nợ thuế, trong đó, giao chỉ tiêu thu nợ đến các chi cục thuế, phòng nghiệp vụ và cán bộ thuế.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về thuế cũng như thực hiện nghiêm túc việc khoanh nợ, xóa nợ, miễn tiền chậm nộp, gia hạn tiền thuế theo Nghị quyết của Quốc hội cũng như các nghị định, hướng dẫn liên quan để hỗ trợ người nộp thuế.
Cục Thuế tỉnh Nghệ An cũng công khai danh sách các đơn vị, cá nhân nợ thuế trên phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với sở, ngành đôn đốc, cưỡng chế thu nợ; phối hợp với Bộ Công an, Cục Quản lý xuất, nhập cảnh thực hiện thông báo cấm xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp nợ thuế./.
Theo Ánh Tuyết - vneconomy.vn