Tiểu thương bỏ ki ốt

Theo bà Thanh - chủ ki ốt bán giày dép, túi xách ở chợ Vinh: "Có ngày chẳng bán được cái nào, hôm nào may thì lãi được 200.000 - 300.000 đồng". Trưởng Ban quản lý chợ Vinh - ông Nguyễn Hữu Đắc cho biết: "Số đăng ký kinh doanh của Ban quản lý vẫn 3.000 ki ốt, nhưng hoạt động chỉ được khoảng 60-70% quy mô chợ...".

6939e942d1109cb7f8b8a9647e13c748-1650332656.jpg
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, chợ Vinh không được như kỳ vọng. Tình trạng nhếch nhác, lãng phí đã và đang diễn ra tại trung tâm thương mại lớn nhất tỉnh Nghệ An

Chị Nguyễn Thị Hoa - tiểu thương bán quần áo tại chợ Vinh cho biết, sau cả năm nghỉ vì dịch bệnh, gần đây mới mở bán trở lại nhưng với tình hình bán buôn ế ẩm, có khả năng chị phải nghỉ tiếp.

Theo chị Hoa, mặt hàng quần áo chủ yếu bán sỉ cho khách ở tỉnh nhưng hiện tại sức mua chỉ bằng 1/10 lúc ổn định trước dịch, nhiều tiểu thương chỉ bán nửa ngày là đóng sạp. "Quan trọng nhất, dù là chợ sỉ hay chợ lẻ, phải có người vào ra mua bán. Đằng này mở chợ mà không có người vào mua thì mãi lực khó tăng lắm. Trừ các khoản thuế, phí thuê quầy ốt, tiền nhân công tổng cộng mỗi tháng tiêu tốn cố định cả chục triệu đồng, nhưng với tình hình mua bán hiện nay thì kinh doanh cầm chắc là lỗ", chị Hoa nhẩm tính.

Cũng như chị Hoa, bà Thanh - tiểu thương tại đây cho biết, số lượng quầy hoạt động giảm rất nhiều. Một số quầy hàng cũng quen bán online từ đợt dịch nên cũng chẳng buồn ra chợ.

Chợ truyền thống lớn, chuyên hàng sỉ như chợ Vinh khá nhiều ki ốt đóng cửa, treo bảng thông báo sang ki ốt. Bà Mai, kinh doanh hàng áo quần tại chợ Vinh thở dài cho biết, nếu như trong trời điểm trước và sau tết chợ bán khá tốt thì nay đã giảm mạnh hơn 50%. Nhiều quầy sạp trong chợ sang ki ốt luôn, bán online tại nhà”, bà Mai nói.

b8152aa4ce43790a8358a6f04cdb7a21-1650332697.jpg
Nhiều ki ốt bán quần áo ngồi từ sáng tới chiều chỉ để tán gẫu

Chị Nguyễn Thị Nga - tiểu thương kinh doanh vải tại chợ Ga cho biết: “Doanh thu chưa được 50% so với thời gian trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Người đến chợ mua hàng nay giảm mạnh. Thói quen mua bên lề đường, mua nhanh trong cửa hàng, mua giao tận nhà đã được hình thành, nên nhiều người thấy không cần thiết đi vào chợ. Thế nên, trước và sau Tết chợ có vẻ đông vui, nhưng nay lại ế ẩm", chị Nga cho biết.

Thói quen mua sắm tại chợ truyền thống thực tế có thay đổi từ sau dịch. Đó là người mua qua mạng nhiều hơn, người tiêu dùng bấm điện thoại để mua hàng tăng mạnh. Thế nhưng, cốt lõi của văn hóa chợ truyền thống vẫn là phải mua bán trực tiếp. Người mua về dùng hay người mua về bán lại đều phải được sờ thấy, nắm lấy, cảm nhận chất vải, đo lên người thấy ưng ý mới quyết định mua, khác rất nhiều so với cách mua sắm trên mạng.

Chợ truyền thống cần thay đổi

Ông Nguyễn Hữu Đắc - Trưởng Ban quản lý chợ Vinh cho biết, nguyên nhân khiến tiểu thương bỏ ki ốt là do dịch bệnh nhưng cũng còn do tiểu thương không bắt kịp xu hướng mua hàng qua mạng. Ngoài ra, tiểu thương còn khó có thể cạnh tranh được với những hàng rong ven đường, ven chợ và các siêu thị lớn bởi thiếu sự tiện lợi và cạnh tranh về giá.

Tương tự, ông Lê Vĩnh Hùng - Trưởng Ban quản lý chợ Ga Vinh cho hay, dù chợ đã mở lại bình thường nhưng có rất nhiều hộ kinh doanh chủ yếu là quần áo, mỹ phẩm, giày dép... nghỉ chợ kinh doanh tại nhà. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị ngày càng nhiều cùng sự hiện đại hóa, thuận tiện cũng hút khách từ chợ truyền thống rất nhiều. Đến nay phải có đến 45% hộ kinh doanh bỏ chợ.

1b308c47d0d6bb7bb7f06a161c0bdabe-1650332733.jpg
Nguyên tầng 3 các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tại chợ Vinh nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại bỏ không

"Trước kia chỉ có một vài chuỗi siêu thị thì nay có hàng chục chuỗi và cửa hàng bán lẻ. Siêu thị ngày càng mở rộng, hiện đại, đa dạng hàng hóa, thuận tiện, chi phí rõ ràng, cơ sở vật chất tốt, phục vụ tận tình nên hút khách hơn. Trong khi đó, vào chợ rất bất tiện vì phải gửi xe, thái độ phục vụ khách không được hòa nhã, nóng bức, phải trả giá mệt mỏi", ông Hùng phân tích.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chợ truyền thống hiện tại chưa có sự đột phá, không đủ sức hút, thậm chí còn gắn liền với một số hình ảnh xấu như chặt chém, móc túi. Cần phải hiện đại hóa chợ truyền thống, nếu không sẽ rất khó để phục hồi, phát triển. Để có thể phục hồi và phát triển lâu dài, để tiểu thương quay trở lại, ngoài những gói hỗ trợ của Nhà nước, cần tổ chức những khóa đào tạo về pháp luật, đặc biệt về công nghệ cho tiểu thương. Bởi với người trẻ thì điều này rất dễ nhưng tiểu thương trong chợ phần đông là những người đã có tuổi.

Cùng với đó, phải chuyên nghiệp hóa chợ truyền thống, từ chỗ gửi xe tới chỗ đi vào chợ. Cần cải tiến giống như các siêu thị, làm sao chợ cũng mát mẻ, tiện lợi, bán hàng văn minh...

Trao đổi với báo Công Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - ông Cao Minh Tú cho biết, sau đợt dịch Covid-19, phương thức mua sắm online dần phổ biến, thu nhập của người dân giảm, kéo theo sự bùng nổ mạnh mẽ của các chuỗi bán lẻ hiện đại… là những lý do chính khiến chợ truyền thống rơi vào cảnh vắng khách.

"Đối với chính sách hỗ trợ, đến nay chưa có thêm các chính sách hỗ trợ cho tiểu thương. Sở Công Thương đã ghi nhận những khó khăn của tiểu thương và sẽ xem xét có thêm kiến nghị tháo gỡ", ông Cao Minh Tú cho biết.

Lãng phí hàng nghìn m2 ở khu chợ lớn nhất Nghệ An

Nằm ở trung tâm TP. Vinh - chợ Vinh được xây mới từ năm 2005 và đưa vào sử dụng sau đó 3 năm. Đây là khu chợ lớn nhất tỉnh Nghệ An được thiết kế 3 tầng nổi, một tầng hầm. Tổng diện tích sàn 4 tầng là 33.000 m2. Tuy nhiên, nguyên tầng 3 của khu chợ này với mặt sàn hơn 1.000 m2 như bị lãng quên.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Đắc - Trưởng Ban quản lý chợ Vinh cho hay, cơ quan chức năng và Ban quản lý chợ đã nhiều lần công khai quy hoạch, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đăng ký kinh doanh tại tầng 3 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Việc bỏ trống nhiều năm khiến cơ sở vật chất ở tầng này xuống cấp, gây lãng phí./.