Theo đó, Đoàn thanh tra đã tổ chức thanh tra trực tiếp tại 24 bãi tập kết cát, sỏi trên địa bàn các huyện Yên Bình, Trấn Yên và thành phố Yên Bái. Qua đó, phát hiện có 18 điểm tập kết cát sỏi của các hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, với diện tích trên 16.000 mét vuông để mở bến, bãi tập kết cát sỏi. Một số hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trong thời gian dài và đã bị xử phạt vi phạm hành chính những vẫn tiếp tục vi phạm, hầu hết các điểm tập kết cát, sỏi đều chưa có hồ sơ, thủ tục pháp lý về lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định…
Đoàn Thanh tra đã kiến nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh, tập kết cát, sỏi của 18 trường hợp do tập kết cát, sỏi trái phép trên đất nông nghiệp, xử phạt hành chính 16 trường hợp về lĩnh vực đất đai, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính về lĩnh lực môi trường đối với 18 tổ chức, cá nhân... với tổng số tiền xử phạt trên 270 triệu đồng. Đồng thời, buộc 16 trường hợp phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Các tổ chức, cá nhân chỉ được phép hoạt động trở lại khi đã có đầy đủ các hồ sơ, thủ tục về đất đai, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Nguyên nhân để xảy ra tình trạng tập kết cát, sỏi trái phép được nhận định là do ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng đất còn hạn chế; một phần do chính quyền địa phương, đặc biệt là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chưa quyết liệt thực hiện trách nhiệm theo quy định đối với lĩnh vực quản lý đất đai, bảo vệ môi trường.
Trước đó, như VOV đã phản ánh, thời gian qua, dù các lực lượng chức năng đã tăng cường quản lý, song tình trạng mở bến bãi tập kết cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra ở nhiều vị trí dọc tuyến sông Hồng - đoạn qua địa phận Yên Bái và ven hồ Thác Bà ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái./.