Trong quan hệ với Đài Loan, Hàn Quốc luôn giữ khoảng cách đáng kể, có thể vì lo ngại nảy sinh phức tạp trong quan hệ với Trung Quốc.

Có câu, “mọi khủng hoảng đều mang đến cơ hội”. Và khi đại dịch đang khiến cả thế giới rúng động, Hàn Quốc lại nhìn nhận cơ hội để thúc đẩy quyền lực mềm, củng cố vị thế cường quốc tầm trung mà Seoul khao khát lâu nay.

Hàn Quốc muốn củng cố vị thế bằng quyền lực mềm trong đại dịch Covid-19
Cải thiện quan hệ ngoại giao với Triều Tiên là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm tăng cường quyền lực mềm

Chấp chới vị thế cường quốc tầm trung?

Theo hai học giả Ralf Emmers và Sarah Teo, thước đo một quốc gia là cường quốc tầm trung dựa trên 7 tiêu chí: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), GDP đầu người, diện tích, dân số, chi tiêu quân sự, chỉ số phát triển con người (HDI) và sự tham gia vào các tổ chức quốc tế.

Hàn Quốc, với 51,71 triệu dân và diện tích 100.210km2, thừa tiêu chuẩn về kinh tế, quân sự, để trở thành cường quốc tầm trung.

GDP năm 2020 ước đạt 1.624 tỷ USD, đứng thứ 10 thế giới, vượt Nga (1.403 tỷ USD), Brazil (1.394 tỷ USD), Australia (1.333 tỷ USD), theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc năm 2020 đạt hơn 31.800 USD, vượt qua Italy (một quốc gia trong nhóm 7 nền kinh tế công nghiệp lớn nhất thế giới).

Về tiềm lực quân sự, đầu năm nay, tổ chức xếp hạng sức mạnh quân sự toàn cầu của Mỹ Global Fire Power (GFP) xếp hạng sức mạnh quân sự năm 2020 của Hàn Quốc đứng thứ 6 trên 138 quốc gia thế giới.

Dù 2020 là năm Hàn Quốc bị ảnh hưởng không nhỏ vì dịch bệnh nhưng Seoul vẫn chi tiêu 48 tỷ USD, xếp thứ 8 thế giới về quy mô chi tiêu quốc phòng, cao hơn cả năm 2019 một bậc.

Về công nghệ, Hàn Quốc thuộc nhóm 6 quốc gia và khu vực đi đầu công nghệ thông minh, ghi điểm nhiều nhất trong hai lĩnh vực hệ thống viễn thông và hệ thống vận hành nhà máy.

Như vậy, xét về mặt kinh tế và quân sự, Hàn Quốc đã vượt qua cả các cường quốc tầm trung truyền thống như Thụy Điển, Australia.

Nhưng theo Tạp chí National Interest (Mỹ), xét về quan hệ ngoại giao, mức tham gia và trách nhiệm với quốc tế, Hàn Quốc vẫn còn chấp chới so với mức cường quốc tầm trung.

Tạp chí Mỹ chỉ ra, nếu như hầu hết các cường quốc tầm trung đều có những mối quan hệ láng giềng và liên minh thân thiết thì Hàn Quốc không có mối quan hệ đồng minh và láng giềng đồng điệu. Quan hệ liên minh duy nhất là với Mỹ nhưng chủ yếu gắn liền với lợi ích quốc gia.

Với những quốc gia/vùng lãnh thổ cận kề như Nhật Bản, đảo Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc đều không có quan hệ tốt. Nhật Bản - Hàn Quốc thường xuyên mâu thuẫn, tranh cãi về quá khứ chiến tranh.

Trong quan hệ với Đài Loan, Hàn Quốc luôn giữ khoảng cách đáng kể, có thể vì lo ngại nảy sinh phức tạp trong quan hệ với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất về xuất khẩu của Hàn Quốc.

Tạp chí Mỹ cũng nhìn nhận, Hàn Quốc còn hạn chế và miễn cưỡng chấp nhận người tị nạn hay cấp quyền cư trú cho người nhập cư. Tính đến năm 2018, tỉ lệ chấp nhận người tị nạn chỉ khoảng 3% - rất thấp so với cường quốc đã phát triển.

Đại dịch chính là cơ hội củng cố quyền lực mềm

Hàn Quốc muốn củng cố vị thế bằng quyền lực mềm trong đại dịch Covid-19
Hàn Quốc có tiềm lực kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới

Song, khi đại dịch bùng nổ, nhiều nước rơi vào khó khăn, khủng hoảng cần hỗ trợ, Hàn Quốc nhanh chóng tận dụng cơ hội để củng cố vị thế, tầm ảnh hưởng.

Trên đa phương, Seoul tích cực thúc đẩy phân phối công bằng vaccine phòng Covid-19 trên toàn cầu qua chương trình COVAX, đóng góp 10 triệu USD giúp cung cấp vaccine phòng Covid-19 cho các quốc gia đang phát triển.

Với các đối tác song phương, tại thời điểm dịch bệnh hoành hành ác liệt đẩy Mỹ vào cảnh khó khăn thiếu nguồn cung cấp bộ kit xét nghiệm, ngay khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mở lời, Hàn Quốc nhanh chóng vận chuyển 600.000 bộ kit đạt chuẩn tới Mỹ.

Tháng 4/2020, Seoul phân bổ 400 triệu USD vào quỹ y tế cộng đồng của các nước đang phát triển, hoãn đáo hạn nhiều khoản nợ cho 26 quốc gia với tổng giá trị 110 triệu USD.

Đồng thời, Hàn Quốc tận dụng cơ hội phát triển và tham gia nhiều định dạng đa phương. Seoul đã vận động chính quyền Mỹ, Anh với ý tưởng mở rộng nhóm G7 thêm 3 quốc gia Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Tại nền tảng nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-20), chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhấn mạnh những cam kết của Hàn Quốc với y tế toàn cầu và hành động vì khí hậu.

Là quốc gia phát thải carbon nhiều thứ 8 thế giới, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch khôi phục kinh tế “xanh” nhất thế giới với cam kết sẽ dành 45,9% tổng giá trị kế hoạch (160 nghìn tỷ won, tương đương 133 tỷ USD) phân bổ cho các dự án thân thiện môi trường.

Bất chấp dịch bệnh, Hàn Quốc vẫn đặt mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, tham vọng này được đánh giá rất thách thức khi thực tế nền kinh tế Hàn Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá và các nguồn phát thải carbon nhiều trong ngành công nghiệp và năng lượng.

Cuối cùng, dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, Hàn Quốc rất chú trọng cải thiện quan hệ ngoại giao với Triều Tiên nhất là khi Bình Nhưỡng đang gặp khó khăn vì mất mùa, lũ lụt và đại dịch.

Hàn Quốc đã ngỏ lời viện trợ 2 triệu liều vaccine Covid-19 cho Triều Tiên nếu được yêu cầu và vừa mới mở lại đường dây nóng giữa hai nước sau 1 năm tạm ngừng. Hai bên đang cân nhắc tổ chức các cuộc hội đàm, kể cả họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Nếu diễn ra, đây sẽ là tiền đề để từng bước đạt được mục tiêu về xây dựng hòa bình và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Khi đó, Seoul dễ dàng thu hút sự chú ý và tăng cường vị thế toàn cầu.

Đại dịch Covid-19 ban đầu gây trở ngại tới Chính sách phương Bắc mới (tăng cường hợp tác kinh tế với vùng Viễn Đông của Nga, ba tỉnh Đông Bắc Trung Quốc, Trung Á và Mông Cổ) và chính sách Phương Nam mới (tăng cường hợp tác với ASEAN, nâng tầm mối quan hệ lên tương đương với bốn cường quốc là: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) của Hàn Quốc. Nhưng khi phần nào kiểm soát được dịch, Chính phủ Hàn Quốc nhanh chóng tăng gấp đôi tổng phân bổ phát triển chính thức cho 2 chính sách trên lên 7 tỷ USD trong 3 năm tới.