Chồng là bị cáo, vợ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Ông Nguyễn Đức Chung – cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội hôm nay (10/12) bị Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đưa ra xét xử trong vụ mua bán, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C làm sạch nước hồ trên địa bàn TP.Hà Nội.
Ông Chung bị xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Cách đây khoảng 1 năm, vào ngày 11/12/2020, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội cũng đã tuyên phạt ông Chung 5 năm tù về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước".
Ở vụ án đó, ông Chung được xác định đã có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Trở lại vụ án này, cũng bị truy tố với cùng tội danh như ông Chung là 2 bị cáo Võ Tiến Hùng – cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước), Nguyễn Trường Giang – Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic (Công ty Arktic).
Ông Chung và 2 đồng phạm bị cáo buộc có vi phạm trong việc mua bán, sử dụng Redoxy 3C gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, tổng giá trị thiệt hại hơn 36,1 tỷ đồng.
Phiên tòa sơ thẩm sẽ diễn ra dưới sự điều hành của thẩm phán, chủ tọa Trần Nam Hà.
Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội có 5 luật sư bào chữa; Nguyễn Trường Giang có 3 luật sư bào chữa; Võ Tiến Hùng có 3 luật sư bào chữa.
Công ty Thoát nước tham gia phiên tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung), Công ty Arktic, UBND TP.Hà Nội cùng 2 người phụ nữ khác.
Công ty Thoát nước mời luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình ở phiên sơ thẩm. Vợ ông Nguyễn Đức Chung cũng mời 1 luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình.
Về diễn biến vụ án, tài liệu truy tố thể hiện năm 2016, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác xử lý, cải tạo, khắc phục ô nhiễm nước các sông, hồ trên địa bàn TP.Hà Nội bằng cách tìm kiếm các công nghệ tiên tiến, phù hợp để xử lý ô nhiễm nước hồ trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đức Chung lúc này đã lựa chọn công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Watch Water (Đức), tổ chức đoàn thăm quan, thử nghiệm, đặt hàng sản xuất ra chế phẩm Redoxy 3C để sử dụng làm sạch hồ ở Hà Nội.
Sau đó ông Chung chỉ đạo Võ Tiến Hùng mua Redoxy 3C thông qua Công ty Arktic (công ty gia đình) với động cơ vụ lợi, việc này đã gây thiệt hại cho Nhà nước với số tiền hơn 36,1 tỷ đồng nêu trên.
Ông Nguyễn Đức Chung không đồng ý cáo buộc gây thiệt hại?
Trước thời điểm phiên xét xử này diễn ra, ông Nguyễn Đức Chung đã có một đơn khiếu nại dài gửi tới Chánh án Tòa án nhân dân TP.Hà Nội, trong đơn trình bày một số vấn đề liên quan tới vụ án mà ông bị đưa ra xét xử.
Liên quan đến cáo buộc việc mua Redoxy 3C của Công ty Thoát nước để xử lý ô nhiễm môi trường đã gây thiệt hại cho UBND TP.Hà Nội hơn 36,1 tỷ đồng, bị cáo là cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng không đúng.
Theo ông Chung, cáo buộc đó đã mâu thuẫn với các nội dung nêu ở ngay trong cáo trạng.
"Tổng số Redoxy 3C Công ty Thoát nước đã mua là 490.080kg với giá mua từ 295.000 đồng/1kg đến 326.000 đồng/1kg thành tiền là: 151.826.120.000 đồng (chưa thuế GTGT).
Tổng số Redoxy 3C trên do Công ty Arktic mua của Water Đức là: 8,5 euro/1kg thành tiền là: 115.747.191.926 đồng (là giá vốn) chưa thuế GTGT (tỷ giá ngoại tệ là tỷ giá bán ra của Ngân hàng VP Bank tại ngày khai hải quan)" – ông Chung dẫn chứng trong đơn khiếu nại.
Ông Chung cũng cho rằng cáo buộc nêu trên có mâu thuẫn với nội dung bản kết luận điều tra số 38, ngày 13/8/2021 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng trình bày, theo nội dung thư ngày 4/5/2020 của Công ty Watch Water Đức gửi cho Văn phòng UBND TP.Hà Nội xác nhận có nội dung tại mục 4 là: Để được mua với giá thấp nhất công ty đại diện này phải đạt doanh thu 3 năm đầu tiên tối thiểu là 5 triệu euro và giành 5% doanh thu để phát triển kinh doanh cũng như giới thiệu các sản phẩm khác của công ty.
Toàn bộ việc sử dụng 5% này phải được Water duyệt. Nội dung này cũng phù hợp với xác nhận của Công ty Arktic nên tại văn bản số 22/2020 ngày 3/5/2020 gửi UBND TP.
"Như vậy điều này xác định rõ đây là thỏa thuận đại lý và bán hàng có điều kiện" – bị cáo Nguyễn Đức Chung nêu quan điểm.
Ông Chung viết trong đơn khiếu nại, qua một số nội dung ông dẫn chứng cho thấy giá 8,5 euro là giá vốn giao hàng tại Đức.
"Bất kể công ty nào làm đại lý cho Công ty Watch Water khi nhập về Việt Nam kinh doanh thì cũng phải trả các khoản chi phí về vận chuyển quốc tế. Thuế nhập khẩu (3%), thuế VAT khi nhập khẩu (10%).
Các chi phí cho việc nhập khẩu và chi phí cước vận chuyển từ cảng về kho của Công ty Thoát nước. Trong trường hợp này theo thư xác nhận của Công ty Watch Water thì phải trừ đi cả 5% trên tổng doanh thu mà hai bên đã thỏa thuận" – cựu Chủ tịch Hà Nội khiếu nại./.