Câu chuyện bắt đầu từ sau đám cưới cậu con trai của ông T., ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Cậu con trai lấy vợ được một thời gian thì bên nhà thông gia gặp biến cố, ông thông gia bị bệnh nặng, phải đi viện.

Và trong thời gian đó, ông T. đã nhiệt tình đưa đón bà thông gia đến viện chăm nom chồng. Dần dần, hai người đã nảy sinh tình cảm với nhau. Và khi ông thông gia qua đời, mối quan hệ này được hai người công khai trước sự phản đối quyết liệt của gia đình hai bên.

Chuyện tình ngang trái

Gia đình ông T. và bà K. vốn được coi là gia đình văn hóa mẫu mực trong thôn. Ông T. năm nay đã ngoài 50 tuổi, bà vợ kém ông hai tuổi. Về bề ngoài, họ vẫn được coi là một cặp xứng đôi. Con cái cũng đã trưởng thành. Cậu con trai sinh năm 1987 đã yên bề gia thất. Từ ngày con trai lập gia đình với cô gái cùng thôn, chỉ còn ông bà chăm sóc lẫn nhau nên hết sức tình cảm, nhiều khi hàng xóm láng giềng trêu ghẹo là “vợ chồng son”.
 
Với bà con xóm giềng, họ là một gia đình đáng để ghen tỵ. Khi con trai và con dâu ông bà đến với nhau, vì hai gia đình ở ngay gần, cũng quen biết từ trước nên tình thân càng thêm thắm thiết. Họ vẫn qua lại giúp đỡ nhau thường xuyên. Gia đình bà K. có công có việc, ông bà thông gia nhiệt tình sang giúp đỡ sửa soạn và cũng là người sau cùng ở lại giúp thu dọn. Những dịp lễ tết, họ cũng rủ nhau cùng đi, cùng nhau hết lòng chăm lo cho hạnh phúc đôi trẻ.
 
Những ngày cô con dâu ở cữ, nhìn hai bà mẹ thay nhau chăm sóc, tình cảm như hai chị em, bao người trầm trồ ngưỡng mộ. Thấy hai bên gia đình hòa thuận, yêu thương nhau như vậy, vợ chồng anh con trai luôn cảm thấy hạnh phúc.
 
Rồi một ngày, bỗng ông thông gia đổ bệnh, gia đình bên ấy lại neo người, mọi gánh nặng đổ hết lên vai bà thông gia. Thấy bà thông gia ngày ngày lóc cóc đến thăm nuôi ông chồng bệnh nặng ở bệnh viện rồi lại hớt hải về nhà lo công việc, trăm thứ đổ lên đầu, bà K. thương cảm liền về báo với ông T. chồng mình: “Hay ông qua đưa đón bà thông gia tới bệnh viện hằng ngày, chứ thấy bà ấy một mình xoay xở như vậy, tôi cũng thấy tội”.
 
Ban đầu ông T. còn ngần ngừ vì ngại cảnh ngày nào cũng đưa đón như thế, người hiểu chuyện thì không sao nhưng người không hiểu chuyện thì hẳn có điều tiếng thị phi. Nhưng bà K. gạt đi: “Ai nghĩ gì kệ họ, tôi nhờ ông cơ mà”. Được sự đồng tình của vợ con, ông T. nhiệt tình đưa đón bà thông gia ngày mấy lượt vào chăm sóc chồng ở bệnh viện. Vợ chồng ông thông gia và cô con dâu hết sức cảm động với nghĩa cử và tấm lòng của vợ chồng ông bà
 
Một thời gian dài ông đưa đón giúp đỡ bà thông gia chăm chồng. Trên đường đi, bà thông gia thường chia sẻ với ông T. bao khó khăn, vất vả của cuộc đời khi bà phải mang gánh nặng con cái cùng người chồng đau yếu. Thông cảm với hoàn cảnh của bà thông gia, ông T. hết lòng an ủi, động viên bà, luôn sẵn sàng làm chỗ dựa cho bà trút bầu tâm sự và chia sẻ muộn phiền.
 
Ở bên bà thông gia, ông T. cảm thấy mình như người đàn ông vĩ đại, vừa che chở, vừa là chỗ dựa tinh thần cho người đàn bà chịu nhiều thiệt thòi này. Ở bên ông T., bà cảm nhận có một bờ vai vững mà bấy lâu nau khao khát được dựa vào. Và cứ thế, tình cảm của họ lớn dần. Ban đầu, họ dành cho nhau những quan tâm kín đáo tế nhị, nhưng sau dần họ công khai chăm sóc nhau hơn.
 
Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra, hàng xóm láng giềng và những người xung quanh bắt đầu bàn tán xì xào khi thấy cảnh lạ đời: bà thông gia và ông T. suốt ngày quấn quýt bên nhau, đi đâu cũng cười nói hết sức vui vẻ. Ông thì như người trẻ ra mấy tuổi, chịu khó mua sắm, chải chuốt hơn. Bà thông gia tuy đang lo chồng trong bệnh viện nhưng cũng không ngần ngại ăn diện.
 
Hàng xóm thấy vậy, có người nói với bà K. về mối quan hệ bất thường giữa chồng bà và thông gia. Nhưng bà cười xòa: “Chính tôi bảo ông ấy giúp đỡ bà thông gia mà”. Trước sự tin tưởng quá mức của bà .K, người hàng xóm đành tặc lưỡi làm thinh. Cho đến khi hai người họ không còn muốn lén lút nữa mà công khai đi lại với nhau, lúc đó bà K. và 2 con mới té ngửa thì sự đã rồi.
 

Bất hạnh chuyện tình thông gia

Khi câu chuyện ngoại tình ngang trái của bố chồng và mẹ mình vỡ lở, chị P., sinh năm 1990, con dâu trong gia đình ấy, là người hoang mang, đau khổ hơn cả. Khi đó, con trai của vợ chồng chị mới tròn 2 tuổi. Trước đó, mỗi lần nói đến gia đình, trong chị luôn trào dâng một niềm tự hào sâu sắc. Vợ chồng chị ở với nhau lâu nay cũng chưa hề xảy ra vụ cãi vã nào dù là nhỏ nhất. Vậy mà…
 
Hàng xóm láng giềng điều ra tiếng vào quá nhiều khiến chồng chị P. không chịu được áp lực, nhiều lần đã bóng gió với bố mình và mẹ vợ nhưng đều không có kết quả. Mỗi lần như vậy, anh lại về mát mẻ vợ. Sự căng thẳng leo thang khiến hai người đều cảm thấy mệt mỏi. Chưa kể mẹ chồng chị là bà K. suy sụp sau sự kiện này khiến chị luôn cảm thấy mình có lỗi và buồn lòng vì hành động của mẹ đẻ. Trước đây, gia đình nhỏ luôn ấm áp tiếng cười thì nay chỉ còn toàn những cái nhìn hằn học.
 
Dân làng lấy câu chuyện gia đình chị làm trò cười, chuyện tiếu lâm để kể cho nhau nghe. Bà Q., hàng xóm gia đình anh chị, kể: “Khổ lắm, bọn chúng chẳng làm gì nên tội nhưng dân làng đồn đại quá, tới nỗi có đợt chồng nó phải nghỉ làm ở nhà để tránh những lời hỏi thăm và cười cợt của mấy người xung quanh kiểu: bao giờ ông nội và bà ngoại vu quy?”.
 
Thấy chồng buồn bực, nóng giận, có khi muốn gây sự với bố, chị P chỉ dám can ngăn đôi lời, bởi cứ mỗi lần chị lên tiếng, anh lại đay nghiến chị rằng có ngày hôm nay là do mẹ chị là kẻ lợi dụng, còn mẹ anh ngây thơ nên bị mắc lừa.
 
Cuộc sống căng thẳng, đến một ngày anh không chịu được, bỏ nhà ra đi, gửi lại cho chị tờ đơn ly hôn. Ký vào tờ giấy mà lòng mặn chát, chị mang sang nói với mẹ mình và bố chồng nhưng chỉ nhận được ở họ cái nhìn thờ ơ. Hai người đang mê đắm trong hạnh phúc của họ và không còn nghĩ được gì cho con cái, cũng như ông già đang hấp hối nữa.

Một thời gian ngắn sau, bố chị P qua đời, bố chồng chị chuyển sang ở hẳn với bà thông gia là mẹ chị. Không chịu nổi, chị cũng bỏ nhà đi, để lại đứa con nhỏ cho mẹ chồng nuôi. Bấy giờ, trong căn nhà nhỏ trước kia ấm áp tiếng cười hạnh phúc, giờ chỉ còn bà K. và đứa cháu nhỏ không cha mẹ ở bên.
 
Cuộc sống không lối thoát
 
Căn nhà mà bà K. và đứa cháu nội con của vợ chồng chị P. ở cách tổ ấm của ông T. và người tình không xa. Hằng ngày bà K. vẫn đưa cháu nội đi học qua căn nhà đó.
 
Bà Hạnh, em gái bà K., kể: “Bây giờ ông T. ở hẳn bên nhà bên kia rồi, không đoái hoài gì tới vợ nữa. Khổ lắm, giao trứng cho ác, chị tôi hiền lành lương thiện quá, lại còn để chồng giúp đỡ thông gia, tôi đã cảnh báo nhiều lần nhưng mà chị ấy có nghe đâu. Lúc nào cũng bênh vực cô ta, coi cô ta như chị em tốt, bây giờ mới hiểu ra thì cũng đã muộn”.
 
Khi nhắc tới ông T., bà K. chỉ khóc. Bà bảo đâu có ngờ bao nhiêu năm tình nghĩa vợ chồng mà ông lại đối xử với bà như vậy. Sau sự việc ấy, bà K. suy sụp hẳn, nhưng nghĩ tới đứa cháu thơ dại giờ chẳng còn bố mẹ ở bên, bà phải gắng gượng. Cũng may còn mấy người hàng xóm thân tình sang giúp đỡ hai bà cháu.
 
Bà K. tâm sự: “Khổ nhất là đứa cháu bé bỏng của tôi, mới 5 tuổi thôi nhưng nó rất biết. Đi học cũng bị chúng bạn trêu chọc, nhắc chuyện ông nội với bà ngoại. Tuy không hiểu rõ hết nhưng nó biết rằng đó là một điều đáng xấu hổ. Mỗi lần đi học về, có hôm đầy những vết bầm tím, tôi thấy mà thương lắm. Tôi đau sao cũng được nhưng đừng làm đau cháu tôi…”.
 
Bà K. bỏ dở câu nói, cố kìm nén tiếng nấc và ánh mắt nhìn xa xăm về phía chân trời bất định.

(Theo Hôn Nhân & Pháp Luật)