Nhiều hộ dân được xã Cẩm Lĩnh cho phép “xẻ” bờ biển để kinh doanh, vi phạm đất rừng phòng hộ, hành lang đường tuần tra ven biển. Huyện đã yêu cầu giải tỏa, nhưng gần 4 năm qua vẫn tồn tại. 
 
Theo phản ánh của người dân, tháng 4/2016, UBND xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã ký hợp đồng trái thẩm quyền cho 12 hộ dân “xẻ” bờ biển xây dựng các ki ốt, quán kinh doanh trái phép tại khu vực đường tuần tra ven biển từ Trạm hải đăng Cửa Nhượng đến xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh).



Một hộ dân dựng lều bạt kinh doanh trong dịp 30/4 vừa qua




 
Dọc bãi biển trải dài khoảng 4km, nhiều hộ dân kinh doanh trái phép
 
Cụ thể, hợp đồng thuê đất kinh doanh thời hạn một năm từ tháng 4/2016 đến tháng 4/2017, có thu lệ phí. Có hộ dân phải đóng cho UBND xã Cẩm Lĩnh 10 triệu đồng/năm.
 
Trên cơ sở đó nhiều hộ dân đã tự ý xây dựng, cơi nới ki ốt, quán kinh doanh dọc bờ biển trải dài khoảng 4km.
 
Sau khi kiểm tra, nhận thấy việc lấn chiếm hành lang bờ biển vi phạm hành đất rừng phòng hộ, hành lang ven biển, tháng 5/2016, UBND huyện Cẩm Xuyên đã ra công văn yêu cầu UBND xã Cẩm Lĩnh chấm dứt hợp đồng đối với các hộ thuê đất xây dựng ki ốt, quán kinh doanh tại khu vực nói trên.





 
Các hộ dân tự ý cơi nới, xây dựng trái phép tại dọc bờ biển Cẩm Lĩnh
 
Đến tháng 6/2017, UBND xã Cẩm Lĩnh đã ra thông báo về việc chấm dứt và thanh lý hợp đồng và yêu cầu các hộ dân dọn vật liệu, công trình và các tài sản khác để trả lại mặt bằng cho nhà nước quản lý.
 
Tuy nhiên từ đó đến nay, gần 4 năm trôi qua, UBND xã Cẩm Lĩnh vẫn loay hoay, vẫn để các hộ dân tiếp tục hoạt động, xây dựng ki ốt, quán dọc bờ biển, những nhà hàng xây bằng xi măng kiên cố, mọc ngổn ngang.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh Lê Quang Vinh cho biết, sau khi có công văn của UBND huyện, địa phương đã mời các hộ dân lên họp, yêu cầu các hộ dân cam kết buộc phải đóng cửa nhưng vẫn chưa thực hiện được.
 
Theo ông Vinh, đoàn thanh tra huyện về kiểm tra và có kết luận xã ký hợp đồng với các hộ dân như vậy là trái phép.




 
Nhà tắm, khu vệ sinh tự phát mọc lên nhếch nhác dọc bờ biển
 
“UB kiểm tra huyện ủy đã về kiểm tra và có kết luận những sai phạm. Kế toán, địa chính, chủ tịch xã Trần Đình Lam bị kỷ luật cho thôi việc”, ông Vinh nói.
 
Trước việc xã loay hoay chưa giải tỏa dứt điểm các ốt quán, thậm chí còn có tình trạng cơi nới, ngày 4/3 mới đây, UBND huyện Cẩm Xuyên đã có kết luận, tiếp tục xác định hành vi vi phạm đường tuần tra ven biển, nghiêm khắc phê bình Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, Trưởng phòng TN&MT huyện trong việc chưa thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo điều hành của UBND huyện.
 
Xã muốn "tiếp tục tạo điều kiện"
 
Theo quan sát, biển Cẩm Lĩnh có độ dốc và khá sâu, dọc các bãi biển lượng người đổ về tắm biển tự phát khá đông, không có biển cảnh báo nguy hiểm. Đặc biệt, du khách tự ý nấu nướng trên bãi biển, xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.




 
 Lượng người đổ về khu vực biển khá đông, các nhóm tự phát nấu ăn dọc bờ biển
 
Ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cũng thừa nhận bãi biển này có độ dốc và sâu. Việc không đầu tư quy mô bài bản sẽ ảnh hưởng đến môi trường, thậm chí nguy hiểm khi tắm biển.
 
“Biển ở đây rất sâu. Vừa rồi UBND huyện có văn bản đồng ý cho lùi thời hạn giải tỏa các ốt quán cho thuê trái quy định và xây dựng trái phép đến hết mùa du lịch biển, trước ngày 15/9.
 
Sau thời gian này, chúng tôi sẽ họp dân, vận động các hộ dân giải tỏa theo quy định. Sau này nếu không thực hiện đúng theo quy định sẽ tiến hành cưỡng chế trả lại đất như ban đầu”, ông Vinh nói.


 
Rác thải tràn ngập xung quanh các ki ốt kinh doanh ăn nhậu



 
Những đống rác chình ình bên đường, rất phản cảm đối với người đi đường
 
Ông Vinh giải thích, xã Cẩm Lĩnh có tiềm năng lợi thế về du lịch biển, với chiều dài bờ biển khoảng 4km, bờ biển đẹp và thu hút du khách.
 
Mặc dù huyện chỉ đạo phải dừng hoạt động vì vi phạm pháp luật, nhưng ông Vinh cho rằng xã vẫn mong muốn tạo điều kiện cho các hộ dân hoạt động trước khi có quy hoạch.


 
Đốt rác ở cạnh bờ biển


 
Tấm biển ốt quán đặt cạnh ngay biển khu vực cấm
 
“Mong muốn của xã, trước khi chưa có quy hoạch, kế hoạch, đầu tư quy mô bài bản về ngành du lịch thì tạm thời để cho các hộ dân hoạt động, không cơi nới, không làm mới nhằm mục đích phục vụ du khách, quảng bá sản phẩm lợi thế quê hương.
 
Sau khi có quy mô bài bản, thì các hộ này sẽ phải trả lại đất, bởi họ không có giấy tờ, không được công nhận”, ông Vinh nói.