Thời gian này, trên tuyến Tỉnh lộ 21 và Tỉnh lộ 3 (đoạn từ cầu vượt xã Thạch Đài đến ngã ba Khe Giao, huyện Thạch Hà) thường xuyên có hàng chục, thậm chí hàng trăm phương tiện vận tải chở đất phục vụ thi công các công trình xây dựng. Để tăng chuyến, tăng lợi nhuận, hầu hết tài xế phóng nhanh, vượt ẩu, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn với người và phương tiện tham gia giao thông.
Qua quan sát của phóng viên, các phương tiện vận tải không còn cơi nới thành thùng sai quy định như trước đây. Thay vào đó các tài xế luôn tranh thủ tối đa thời gian để tăng chuyến.
“Xe tải chở đất phóng nhanh, vượt ẩu, giành giật làn đường, nhất là tại những khúc cua hẹp rất nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông” - ông Nguyễn Văn H. ở xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà) bức xúc phản ánh.
Không riêng gì ở huyện Thạch Hà, hiện nay trên tuyến Quốc lộ 15A và các tuyến tỉnh lộ, các trục đường liên xã ở huyện Can Lộc, thị xã Kỳ Anh, huyện Hương Sơn… tình trạng xe tải chở đất gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường diễn ra khá phổ biến.
Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết thuận lợi, các công trình giao thông đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ xây dựng trước mùa mưa bão, đẫn đến nhu cầu đất đắp tăng cao. Ngoài ra, sau khi thực hiện tháo dỡ, cắt bỏ thành thùng cơi nới, giá xăng dầu hạ nhiệt, các phương tiện vận tải trước đó chỉ hoạt động cầm chừng, nay có xu hướng tăng cường vận chuyển để vớt vát, bù đắp lại nguồn thu.
“Nhiều xe tải mấy tháng vừa rồi gần như không hoạt động, nay đã cắt bỏ thành thùng nên hoạt động trở lại. Hiện nay dư luận rất ít khi phản ánh xe chở đất quá tải trọng, tuy nhiên vấn đề mất an toàn giao thông thì nhiều người lo lắng, bất an. Chúng tôi mong muốn lực lượng Công an huyện Can Lộc tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, phòng ngừa nguy cơ tai nạn có thể xẩy ra” - ông Nguyễn Xuân Chương - Chủ tịch UBND xã Phú Lộc chia sẻ.
Tại cuộc làm việc với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, đại úy Hoàng Tùng Lâm - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (Công an huyện Can Lộc) cho biết, gần đây đơn vị đã mở nhiều đợt tuyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường.
''Đối với những trường hợp có dấu hiệu chạy ẩu, tăng chuyến sẽ yêu cầu các chủ mỏ không cấp đất, đá. Chúng tôi đã tham mưu cho Ban An toàn giao thông huyện làm tờ trình lên Sở Giao thông Vận tải để khảo sát, cắm biển hạn chế tốc độ, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm sau này" - đại úy Lâm cho hay.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Hà Tĩnh), đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông theo Kế hoạch số 299 của Bộ Công an, toàn tỉnh đã xử lý trên 5.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, 27 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, phạt tiền hơn 10,2 tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu về tốc độ, nồng độ cồn, xe chở quá khổ, quá tải trọng...
Những kết quả đạt được là hết sức thiết thực, thể hiện sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của Công an tỉnh Hà Tĩnh và các bên liên quan. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì tình trạng xe tải chở đất phóng nhanh, vượt ẩu, gây mất an toàn giao thông vẫn chưa được kiểm soát, ngăn chặn triệt để. Điều đó cũng đồng nghĩa việc xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông nói chung, xe tải chở đất nói riêng cần phải thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả và thực chất, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn./.