Để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nhung hươu, vài năm trở lại đây huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đầu tư nguồn lực đẩy mạnh chế biến sâu.
 
Hơn 15.000 hộ chăn nuôi hươu
 
Huyện biên giới Hương Sơn cả trăm năm nay được biết đến là “thủ phủ” nghề chăn nuôi hươu sao. Nói không ngoa, nếu không có đất rừng, không có hươu sao thì người dân Hương Sơn khó có thể thoát nghèo, có của ăn của để.


 
Trang trại chăn nuôi hươu quy mô gần 100 con của hộ anh Tú mỗi năm thu lợi nhuận gần 500 triệu đồng. 
 
Độ chục năm trở về trước, nghề nuôi hươu phát triển mạnh nhưng quy mô nhỏ lẻ, bình quân mỗi hộ nuôi 1 – 2 con; hộ lớn cũng chỉ nằm ở mức 10 – 20 con. Theo ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, năm 2019, dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm nhung hươu hoàn thành và Luật Chăn nuôi 2018 bổ sung quy định hươu sao là đối tượng nuôi, được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, đã tạo hành lang pháp lý, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi hươu trên địa bàn.
 
“Hiện toàn huyện có đến hơn 15.000 hộ chăn nuôi hươu với tổng đàn gần 37.000 con; sản lượng nhung trên 14,5 tấn/năm; giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt trên 200 tỷ đồng.
 
Điều quan trọng, giá trị nhung hươu nay được người dân trong cả nước biết đến, một số cơ sở mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng mở rộng quy mô chăn nuôi, chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu nhằm thích hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng”, ông Hưng nói.
 
Theo tìm hiểu, khoảng 2 năm nay, thị trường nhung hươu ổn định, giá nhung tăng lên đạt từ 1 - 1,5 triệu đồng/lượng; giá hươu giống tăng 3 - 5 triệu đồng/con so với trước.
 
Anh Phạm văm Tú, chủ trang trại nhung hươu Tuyết Thưởng, xã Sơn Trung chia sẻ, sau khi tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trang trại của gia đình anh được hỗ trợ một phần kinh phí, kỹ thuật chăn nuôi để tăng quy mô lên đạt gần 100 con.
 
“Bình quân mỗi năm tổng sản lượng nhung của trang trại đạt 65 – 70 kg; sau khi trừ chi phí còn lãi gần 500 triệu đồng. Ngoài nuôi hươu lấy nhung, chúng tôi còn cung cấp giống hươu con cho các hộ dân có nhu cầu”, anh Tú nói.
 
Chế biến sâu
 
Đến thời điểm hiện tại, huyện Hương Sơn có 4 cơ sở chế biến nhung hươu đạt tiêu chuẩn OCOP.
 
Doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà, xã Sơn Trung tiền thân là HTX chuyên thu mua sản phẩm nhung hươu tươi. Năm 2019, tham gia Chương trình OCOP doanh nghiệp đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở chế biến các sản phẩm từ hươu và nhung hươu như: nhung khô xay bột, rượu nhung hươu, nhung hươu tươi thái lát; nhung tươi nguyên cành; cao nhung, xương hươu…
 
Bà Chu Thị Hồng Hà, Giám đốc doanh nghiệp cho hay, trước đây nhung tươi người dân chỉ bán được giá 900 ngàn đến 1 triệu đồng/lượng nhưng bây giờ, cơ sở của bà thu mua cho bà con bình quân đạt hơn 1,2 triệu đồng/lượng. Sản lượng tiêu thụ hàng năm tăng đến 1 tấn nhung tươi, điều này góp phần tạo thị trường ổn định cho người sản xuất.
 
Theo định hướng cơ cấu lại của huyện Hương Sơn, từ nay đến 2025, hàng năm toàn huyện phấn đấu phát triển thêm 1.000 con hươu; tăng quy mô tổng đàn lên hơn 42.000 con; sản lượng nhung khoảng 17 tấn; giá trị sản xuất đạt trên 220 tỷ đồng.
 
Phát triển nuôi hươu nuôi thâm canh trong nông hộ, gia trại (quy mô 10 con/hộ trở lên); đẩy mạnh quảng bá thương hiệu nhung hươu và hươu giống Hương Sơn; mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ nhung hươu, hướng tới xuất khẩu.
 
Xây dựng mô hình nhóm hộ hoặc Tổ hợp tác, HTX chăn nuôi hươu đảm bảo quy trình kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh; đưa người chăn nuôi tiến đến quy trình “chuyên nghiệp, nhân văn’’; áp dụng mô hình chăn nuôi lót sàn, thu gom chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường...
 
Ngoài ra, huyện cũng tăng cường quản lý, bảo tồn, tránh việc đồng huyết, cận huyết làm suy thoái đàn, giảm chất lượng nhung; góp phần nâng cao giá trị gia tăng đối với từng sản phẩm nhung hươu lên 10 - 20%./.