Bùn thải, nước thải và nhiều tạp chất khác trong quá trình thi công xử lý thấm đê La Giang ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh tự do tràn ra đường, trôi chảy vào vườn các hộ dân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh hoạt và đi lại. Vậy nhưng, nhà thầu gọi đó là sự cố, tiếp tục thi công và hứa khắc phục sau…?.
Trong những ngày qua dư luận bức xúc trước việc làm trên của Công ty CPTV&XD Thành Sen - Đơn vị đang thi công xử lý thấm đê La Giang đoạn qua làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Thiếu giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thi công nhưng nhà thầu vẫn kiên nhẫn “thử nghiệm”, một khối lượng lớn bùn thải, nước thải được trộn lẫn với các chất phụ gia tự do trôi chảy.
Được biết, tuyến đê La Giang đoạn từ k1+200 đến k2+00 hiện đang được xử lý thấm theo công nghệ khoan phụt vữa xi măng + bentonite (xi măng + bột sét) với tỉ lệ trộn xi măng 20% + bentonite 80% do Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Chiều dài tuyến đê được khoan xử lý thấm là 455m, độ sâu trung bình mỗi mũi khoan là 14m.
Nhếch nhác khu ở khu dân cư kiểu mẫu do ảnh hưởng bởi thi công dự án
Trước khi triển khai dự án, Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh (Chủ đầu tư) đã đánh giá lượng chất thải trong quá trình thi công, phương án xử lý đảm bảo môi trường được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, để tránh lượng vật liệu thải và các phụ gia khác từ công trình chảy tràn ra môi trường, đơn vị thi công phải đào hệ thống rãnh thoát và hố đựng để sau này thu gom.
Thế nhưng, người dân thôn Đông Thái phản ánh: Thực tế thì không thấy nhà thầu có phương án nào để bảo vệ môi trường cả. Bùn đất, vật liệu thải từ công trình thi công đến đâu cứ thế trôi vào sân, vườn của nhiều hộ dân ở phía dưới đê, vùi lấp cả lối đi
Nhà thầu xử lý môi trường bằng việc làm đối phó
Ông N. V. D- Một người dân bức xúc: “Thi công chắc chắn sẽ không đảm bảo được tuyệt đối, người dân chúng tôi chia sẻ nhưng phải có phương án để hạn chế. Đằng này, trời nắng mà nước bùn từ các mũi khoan vẫn cứ tràn vào vườn. Còn trời mưa thì tràn vào rất mạnh, vùi lấp cả vườn mà chưa có một cam kết nào”.
Ngoài ra, do tác động rung chuyển trong quá trình khoan khiến một số công trình kiên cố như hàng rào bị hư hỏng, mấy tháng nay người dân gần như không làm được gì. Nhiều tuyến đường tại làng Đông Thái được đấu nối với tuyến đê này còn bị bùn đất tràn xuống bủa vây, rất khó đi lại.
Người dân phải bịt lối vào nhà do lo sợ bùn, nước thải tràn vào
Có mặt tại hiện trường, cán bộ kỹ thuật phụ trách công trình giải thích: “Thực tế sự việc đã xảy ra như vậy rồi, nhưng thú thực trong quá trình thi công nguồn nước thải ra là rất lớn. Phía nhà thầu vừa thi công nhưng cũng vừa thử nghiệm và hứa sẽ khắc phục sau khi thi công xong”.
Đáng nói, đại diện đơn vị thi công khẳng định đây là sự cố, ngoài dự kiến. Mặc dù vậy, phía chủ đầu tư vẫn không có động thái tạm dừng thi công, nhà thầu tiếp tục thực hiện các hạng mục tiếp theo khi chưa có giải pháp an toàn bảo vệ môi trường.
Bùn đất, nước thải trôi lấp vườn nhiều hộ dân
Trái ngược với phản ánh của người dân, cùng có mặt tại hiện trường, ông Lê Doãn Lợi- Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ cho biết: “ Phía nhà thầu thi công đã để xảy ra như vậy nhưng đây là vấn đề được dự báo trước, không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, do một số hộ dân có người mắc bệnh tình, không chịu được tiếng ồn, bùn thải gây khó khăn trong việc đi lại nên đã có phản ánh…”.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Như vậy thì lượng chất thải đang tự do trôi chảy ra môi trường đã dược dự báo trước, tại sao địa phương không có ý kiến để yêu cầu bổ sung giải pháp nhằm khống chế?. Ông Lợi nói rõ : “Cái này nhà thầu đã ký cam kết với từng hộ dân, thi công xong sẽ thu gom khắc phục”.
Những đống rác thải phát sinh trong quá trình thi công được đổ bên bờ đê la Giang
Được biết, sáng ngày 17/3, các lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh cũng đã phối hợp, đến hiện trường kiểm tra để có biện pháp xử lý nhà thầu trong quá trình thực hiện thi công, gây ảnh hưởng đến môi trường.