Nhà máy thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) bắt đầu xả lũ với lưu lượng tăng dần lên đạt hơn 700 m3/s vào trưa nay (8/10).
Ông Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, Hà Tĩnh thông tin, sau 2 ngày mưa tầm tã đến trưa nay mực nước trên các sông ở Hương Khê xấp xỉ báo động I. Đặc biệt, tại hồ thủy điện Hố Hô, do lượng nước đổ về hồ lớn nên từ 20h tối qua (7/10), đơn vị này đã vận hành xả tràn với lưu lượng 250 m3/s, đến trưa 8/10 lưu lượng tăng lên gần 700 m3/s.
“Mưa lớn đã làm ngập một số tuyến đường giao thông, cô lập 3 xã Điền Mỹ, Lộc Yên, Hương Giang. Rất may, hơn 1.900 ha cây ăn quả có múi đã thu hoạch đạt trên 95%. Bây giờ lũ lên vấn đề lo ngại là 500 ha ngô vụ đông có nguy cơ phải gieo lại”, ông Ninh nói.
Đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai kiểm tra phòng chống lũ tại huyện Hương Khê. Ảnh: Hữu Huy.
Trong sáng nay, đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã đi kiểm tra công tác phòng chống lũ tại xã Điền Mỹ và Hương Trạch, huyện Hương Khê. Cùng cùng đi có lãnh đạo Văn phòng Ban chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn và phòng chống thiên tai Hà Tĩnh.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, từ nay đến 10/10, trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông; lượng mưa khả năng phổ biển ở mức 200 - 400mm/đợt, có nơi trên 500mm.
Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương thấp trũng đề phòng lũ lên trong đêm. Ảnh: Hữu Huy.
Lũ trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và sông La tiếp tục ở xu thế lên với biên độ lũ lên thượng lưu các sông từ 4,0 - 8,0m, hạ lưu từ 2,0 - 4,0m. Đỉnh lũ trên thượng lưu các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố có khả năng ở mức báo động II, có nơi trên báo động II; đỉnh lũ trên sông La có khả năng ở mức xấp xỉ báo động I.
Để chủ động ứng phó, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân.
Lũ trên các sông ở Hà Tĩnh đang lên nhanh. Ảnh: Hữu Huy.
Đối với địa phương vùng núi đề phòng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; vùng thấp trũng đề phòng lũ dâng cao trong đêm.
Phải chủ động phương án “4 tại chỗ”, kịp thời hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn khi có lũ lớn.
Kiểm tra và triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, nhất là các tuyến đê biển, đê cửa sông, hồ chứa nước xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao, các công trình thủy lợi trên địa bàn, công trình tiêu, thoát lũ để chủ động vận hành tiêu thoát lũ kịp thời.../.