1vpdn-song-thap-thom-ben-sat-lo-1-mkis-1650336801.jpg
Ông Trần Quốc Trị lo lắng bên điểm sạt lở bờ biển ở thôn 1 (xã Cẩm Lĩnh)

Tại thôn 1 (xã Cẩm Lĩnh), nhiều địa điểm xung yếu dọc bờ biển đã bị xói mòn, sạt lở nghiêm trọng; đất đá và nhiều khối bê tông ở độ cao 8-10m bị sóng biển cuốn đổ sập ngổn ngang, phần bờ còn lại bị khoét hàm ếch, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Hàng loạt cây phi lao, tre nứa, cây bụi rậm được người dân trồng từ cách đây 4-5 năm cũng bị cuốn đổ rạp, bật trơ gốc. Phía ngoài mép biển, cách bờ khoảng 10m, trước đây từng có đoạn bờ kè bằng đá chắc chắn, nhưng nay đã bị sóng đánh tan tành, chỉ còn lại một số lớp đá mỏng lởm chởm. 

Ông Trần Quốc Trị (75 tuổi, ở thôn 1, nhà gần điểm sạt lở) cho biết, hàng năm thiên tai bão lũ, triều cường, sóng biển phức tạp là nguyên nhân khiến bờ biển ở khu vực này bị sạt lở. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, tình trạng sạt lở diễn biến nghiêm trọng, bao nhiêu lứa cây trồng và đất đá đã bị cuốn trôi. “Mặc dù đã nhiều lần trồng cây, ghép đá và bê tông làm kè chắn sóng, ngăn sạt lở, bảo vệ đất đai nhưng không thấm tháp vào đâu. Mùa mưa bão đang đến gần sẽ khiến khu vực này có nguy cơ cao tiếp tục bị sạt lở, cuốn trôi, đe dọa sạt lở trực tiếp tuyến đường giao thông quốc phòng ven biển”, ông Trị lo lắng. 

Ông Nguyễn Công Tùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá mức độ sạt lở ở khu vực này. Trên cơ sở đó sẽ huy động các nguồn lực dần đầu tư để triển khai làm kè chắn sóng.
Cách xã Cẩm Lĩnh hơn 70km, hàng loạt điểm xung yếu dọc bờ sông Lam (xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân) cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp liên tục bị thu hẹp, xóa sổ khiến người dân thấp thỏm. Người dân địa phương cho biết, sông Lam ngày nay bị sạt lở rộng ra gấp đôi so với trước đây. Nhiều diện tích đất trồng hoa màu của người dân nay đã chìm xuống lòng sông.

Ông Trần Đức Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lam, cho biết, tình trạng sạt lở dọc sông Lam diễn ra nhiều năm nay, gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống của người dân nơi đây. Để làm tuyến đê kè chắn sóng kiên cố đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, trong khi ngân sách của địa phương không thể đáp ứng. Thời gian qua, địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh và ngành chức năng nhưng chưa có kết quả.

Tỉnh Hà Tĩnh đã lập kế hoạch thực hiện đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 với kinh phí dự kiến 715 tỷ đồng. Tỉnh này cũng đề nghị cần có chương trình hỗ trợ sạt lở bờ sông, bờ biển của Chính phủ để giúp đỡ tỉnh xử lý các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với kinh phí ước tính 250 tỷ đồng./.