Các huyện trọng điểm như Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà, Kỳ Anh... (Hà Tĩnh) đã triển khai khá thành công một số mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Quyết tâm
 
Bao đời nay, nông dân Hà Tĩnh vẫn có thói quen sản xuất theo tập quán, lạm dụng thuốc BVTV, sử dụng nhiều phân bón vô cơ, ảnh hưởng đến chất đất, nước, môi trường sống trong vùng sản xuất. Hàng năm, ngành chuyên môn địa phương vẫn thường xuyên tuyên truyền bà con tăng cường thực hiện các giải pháp cải tạo đất, tiến tới sản xuất nông sản an toàn. Tuy nhiên, thực tế khái niệm làm thế nào để cho ra một sản phẩm sạch, đạt quy chuẩn lúa hữu cơ thì cả cán bộ cơ sở và người dân vẫn đang rất mơ hồ.
 
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh từng nhấn mạnh trong một cuộc hội thảo đầu bờ hồi cuối tháng 8/2020: “Bây giờ nói Hà Tĩnh đã sản xuất thành công lúa hữu cơ là chưa đúng. Tuy nhiên, Hà Tĩnh đang quyết tâm chuyển đổi, chỉ đạo các địa phương thực hiện một số mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP”.
 
Theo ông Sơn, từ năm 2018, một số huyện trọng điểm như Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà, Kỳ Anh, Can Lộc… đã triển khai các mô hình phá bờ thửa, xây dựng cánh đồng lớn, áp dụng quy trình sản xuất cùng một loại giống đạt tiêu chuẩn VietGAP. Kết thúc mỗi vụ sản xuất các huyện tổ chức hội thảo đánh giá lại tính hiệu quả, đúc rút kinh nghiệm, đồng thời đặt ra các mục tiêu cao hơn như tiến tới sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, đạt tiêu chuẩn hữu cơ… Mục đích cuối cùng là hình thành chuỗi nông sản an toàn, có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp.
 
Vụ hè thu năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh triển khai mô hình “Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP”, tại các xã Kỳ Giang - huyện Kỳ Anh (20 ha); Cẩm Thành - Cẩm Xuyên (20 ha); Thạch Liên – Thạch Hà (11 ha) và Yên Hồ - Đức Thọ (20 ha). Toàn bộ 71 ha sử dụng 2 giống lúa RVT và Dự Hương 8, do Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinassed) sản xuất; bón phân hữu cơ khoáng Hà Gianh HCK-242, hữu cơ khoáng Sông Gianh HCK-243 của Tổng công ty Sông Gianh.
 

 
Hiện các huyện trọng điểm lúa như Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà, Kỳ Anh đã áp dụng mô hình phá bờ thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn sản xuất lúa theo quy trình VietGAP và tiêu chuẩn hữu cơ. Ảnh: Gia Hưng.
 
Ông Lê Văn Thuận, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Thạch Hà: “Từ vụ xuân 2018 Thạch Hà bắt đầu phá bờ thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn sản xuất một loại giống theo quy trình VietGAP. Quy mô diện tích tăng dần theo nhu cầu của người dân từ 40 ha (2018) lên gần 100 ha (năm 2020); tập trung ở các xã Thạch Liên, Thạch Xuân, Thạch Hội”.
 
Trên cánh đồng lúa 11 ha sản xuất giống Dự hương 8 ở xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, người dân phấn khởi khẳng định, lúa năm nay sạch sâu bệnh, không phải phun thuốc BVTV, năng suất ước đạt 2,8 tạ/sào. Đặc biệt, toàn bộ lúa được doanh nghiệp cam kết thu mua hết với giá cao hơn lúa sản xuất truyền thống từ 1.000 – 2.000đ/kg lúa khô.
 
Ông Nguyễn Đình Tường, vừa là hộ dân sản xuất vừa là thôn trưởng thôn Phú Quý, xã Thạch Liên, nói: “Bước đầu bà con đã có chuyển biến trong việc “cai” dần thuốc BVTV, sử dụng các bộ giống lúa chất lượng cao. Việc chuyển đổi sang sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ là tất yếu và rất cần thiết để bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm gạo sạch, tốt cho sức khỏe. Riêng vụ Hè thu năm nay trên diện tích bón phân hữu cơ, không phun thuốc BVTV cá, cua bắt đầu xuất hiện nhiều, điều này chứng tỏ môi trường an toàn sinh vật mới sinh sôi, nảy nở được”.
 
Theo ông Tường, đây mới chỉ là thành công bước đầu, chính quyền các cấp cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ, mở rộng quy mô để tạo thành phong trào rộng khắp, góp phần thay đổi tư duy của bà con từ vận động sang tự giác, tự nguyện thực hiện.    
 
Phấn đấu xuất khẩu gạo sang châu Âu
 
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sông Gianh Biền Văn Nga cho rằng, sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn nhữu cơ rất khó nên chính quyền và người dân phải quyết tâm cực cao và cần có thời gian. Đất đai Hà Tĩnh qua nhiều thời kỳ lạm dụng phân vô cơ, thuốc BVTV đã gần như bạc màu nên bây giờ cần ít nhất 3 – 4 năm để “nuôi” lại đất.
 
 
Đưa nhiều giống lúa chất lượng cao vào sản xuất như RVT, Dự hương 8...
 
“Khi chính quyền và người dân có quyết tâm, các doanh nghiệp chung tay vào ắt công cuộc chuyển đổi sẽ gặt được “quả ngọt”. Riêng lĩnh vực phân bón, Tổng Công ty Sông Gianh cam kết cung ứng đủ, đảm bảo chất lượng phân hữu cơ cho nông dân sản xuất”, ông Nga nhấn mạnh.
 
Đối với việc bao tiêu sản phẩm, gần chục năm nay, hầu hết lúa chất lượng cao, lúa sản xuất theo quy trình VietGAP đều được Công ty TNHH một thành viên KC Hà Tĩnh thu mua hết với giá cao hơn thị trường từ 10 – 20%.
 
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Công ty KC cho hay, năm 2019 công ty thu mua hơn 20.000 tấn lúa các loại tại trên địa bàn tỉnh và các tỉnh miền Tây; xuất khẩu gạo sang các nước Lào, Trung Quốc đạt hơn 12.000 tấn. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sản lượng lúa thu mua ước chỉ đạt 27.000 tấn; sản lượng gạo xuất khẩu trên dưới 18.000 tấn.
 
“Hiện tại thị trường của chúng tôi chủ yếu là các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, với trách nhiệm doanh nghiệp đóng trên địa bàn, Công ty KC sẽ ưu tiên tiêu thụ toàn bộ sản phẩm lúa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, đạt chuẩn hữu cơ mà nông dân Hà Tĩnh sản xuất ra với gia cao nhất. Mục tiêu là đưa gạo Hà Tĩnh tiến vào thị trường châu Âu, trước tiên là Cộng hòa Liên bang Đức”, ông Tùng chia sẻ.