Việc xây dựng trái phép này không những ảnh hưởng đến sự trang nghiêm, linh thiêng của ngôi Đền mà còn tác động trực tiếp đến công tác bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu.

nguoinghe.vn
Cổng đi vào Đền Truông Bát trông rất uy nghi và cổ kính

Tự ý thay đổi hiện trạng di tích và “vô tư vi phạm pháp luật”

Theo hồ sơ Di tích, Đền thờ Bà chúa Lộc có diện tích hơn 14.000 m2, phía Bắc và Nam mỗi phía dài 160m, phía Đông và Tây dài 90m, tất cả 4 phía đều giáp đất đồi. Ghi rõ quy hoạch cơ sở hạ tầng của Đền chỉ có 3 khu nhà gồm: “Nhà mộ Bà Chúa Lộc” với diện tích 196 m2, “Cung thờ Bà Chúa Lộc” và “Cung thờ Công Đồng” diện tích 2.070 m2. Còn lại là toàn bộ khuôn viên thắng cảnh khu Di tích.

Tuy vậy, vào những năm gần đây, tại Đền Truông Bát xảy ra hiện tượng tự ý phá dỡ một số hạng mục nguyên bản và tiếp tục xây dựng thêm nhiều công trình mới, cụ thể là Đền tự ý cho máy xúc bạt núi và xây dựng “Cung cấm” từ năm 2021 đến 2023. Theo quan sát và đối chiếu, những công trình này đều nằm ở khu đất cao, dễ sạt lở, hoàn toàn không có trong quy hoạch hồ sơ công nhận Di tích của Đền.

Việc tự ý thay đổi hiện trạng, tự ý đốn chặt cây, san bạt núi để xây dựng các hạng mục nêu trên, không những vi phạm Luật Di sản, vi phạm về lĩnh vực quy hoạch xây dựng mà còn tác động trực tiếp đến môi trường, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu. Đây chính là sự coi thường pháp luật, bất chấp các quy định của pháp luật nhà nước? Muốn xây dựng gì thì tự ý xây dựng, không cần đến xin phép và cũng không cần đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Ngày 29/11/2024, UBND huyện Thạch Hà đã ban hành văn bản số 471/ TB-UBND để: “Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện tại cuộc họp ngày 25/11/2024 về một số nội dung liên quan đến công tác quản lý và hoạt động tại Di tích Lịch sử Văn hóa Đền Truông Bát, xã Ngọc Sơn”. Theo đó, cuộc họp này đã đi đến kết luận trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về Di sản văn hóa tại Đền Truông Bát đã xảy ra một số tồn tại, hạn chế về quy hoạch xây dựng. Thông báo nội dung cuộc họp nêu rõ: “UBND xã Ngọc Sơn chưa kịp thời làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với di tích, chưa lập quy hoạch chi tiết các hạng mục tại di tích trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Yêu cầu triển khai khẩn trương các thủ tục cấp đất và quy hoạch chi tiết đối với di tích trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện nghiêm túc công tác quản lý quy hoạch, xây dựng và quản lý di tích; Chấn chỉnh ngay những sai phạm, hạn chế nêu trên, tuyệt đối không được để phát sinh sai phạm khác”.

Mặc dù cơ quan chức năng địa phương đã bước đầu vào cuộc và yêu cầu chấn chỉnh một số sai phạm. Tuy nhiên như chúng tôi đã phản ánh ở các bài viết trước, vấn đề đặt ra lúc này là vì sao một Di tích Lịch sử, Văn hoá cấp tỉnh đã được xếp hạng năm 2011 đến nay, đã đưa vào khai thác sử dụng hàng chục năm nay, thậm chí “giao khoán trọn gói” cho 1 cá nhân và thu ngân sách về địa phương, nhưng Di tích này lại hoàn toàn không có hồ sơ cấp đất, không có quy hoạch xây dựng được các cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt, nhưng vẫn tự ý san núi, bạt đồi, đốn hạ cây rừng trên diện tích hàng trăm ha… nhằm xây dựng nhiều hạng mục kiên cố trong nhiều năm mà không bị cơ quan nào xử lý? Trách nhiệm đó thuộc về ai? Đơn vị cá nhân nào? Dư luận cần được biết và có hình thức xử lý cụ thể đối với những vi phạm công khai kéo dài này?

nguoinghe.vn
Một số công trình đốn cây, bạt núi, xây mới khi chưa được cấp quyền sử dụng đất, chưa được phê duyệt quy hoạch, chưa được cấp phép xây dựng (ảnh Facebook nhà đền)

Nay mới làm hồ sơ xin cấp phép thì “buộc phải khôi phục lại trạng thái ban đầu”

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Hà, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh tại buổi làm việc với phóng viên Văn hiến Việt Nam về những sai phạm liên quan đến lĩnh vực xây dựng tại Đền Truông Bát. Ông Hà cho biết: “Việc quản lý Nhà nước đã được phân cấp và quy định rất rõ, để xảy ra tình trạng các công trình trên địa bàn xây dựng không có quy hoạch, không thiết kế, không cấp phép, đầu tiên là trách nhiệm của chính quyền địa phương xã và huyện. Theo quy định của pháp luật tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP về Quy định xử phạt vị phạm hành chính về xây dựng có nêu rõ, các công trình xây dựng trái phép buộc phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu, buộc phá dỡ công trình và phần công trình vi phạm thì mới xây dựng lại quy hoạch trình cơ quan chức năng liên quan xem xét phê duyệt”.

Ông Hà cũng cho biết: “Đến thời điểm hiện tại Sở Xây dựng chưa hề nhận được bất kỳ hồ sơ nào liên quan về quy hoạch xây dựng của Đền Truông Bát. Theo quy định, các công trình thuộc Di tích Văn hoá cấp tỉnh do UBND huyện làm chủ đầu tư, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ là đơn vị cho ý kiến về mặt chuyên môn, Sở Xây dựng thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên để phê duyệt quy hoạch, nếu công trình đó đang xảy ra tình trạng xây dựng không phép thì phải xử phạt. Cụ thể ở Đền Truông Bát, đầu tiên xử phạt về lĩnh vực đất đai khi chưa được cấp phép sử dụng đất, sử dụng đất sai mục đích. Sau khi hoàn tất các thủ tục về cấp đất, chính quyền địa phương lập hồ quy hoạch xây dựng trình Sở Xây dựng thẩm định. Sở Xây dựng sẽ yêu cầu phá bỏ các hạng mục và các công trình đã xây dựng không phép, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, lúc đó mới phê duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng”.

nguoinghe.vn
Tấm biển sai phạm làm cho du khách “tin nhầm tưởng giả là thật” (tưởng di tích này thờ mẹ Quan Hoàng Mười) được công khai đặt tại Đền Truông Bát trước đây

Phần đề nghị

Đến nay, dư luận và nhân dân địa phương đang đặt ra câu hỏi? Vì sao sự việc tập trung nhân lực và máy móc ồ ạt, rầm rộ để đốn chặt cây, san bạt núi, xây dựng nhiều hạng mục công trình kéo dài suốt hàng năm trời giữa “thanh thiên bạch nhật” như vào chỗ không người? Vì sao chính quyền sở tại không có động thái, hay “nhắm mắt làm ngơ” để cho “con voi chui lọt lỗ kim”? Với việc xây dựng công trình đồ sộ lại không có giấy phép? Không có qui hoạch? Chưa được cấp quyền sử dụng đất? Chiếm dụng đất đai? Trách nhiệm này thuộc về ai? Hướng xử lý như thế nào?

Những nội dung này chúng tôi xin chuyển đến UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nội vụ và UBND huyện Thạch Hà để sớm tìm ra giải pháp nhằm bảo vệ Di tích lịch sử đền Truông Bát. Đồng thời đề nghị Công an tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc để điều tra, làm rõ những sai phạm “có dấu hiệu về trách nhiệm hình sự” đã xảy ra tại đây để có những biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời những hậu quả xấu xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh. Trả lại môi trường văn hoá lành mạnh cũng như tính nghiêm minh của pháp luật ở nơi vùng đất vốn nổi tiếng về phong trào văn hóa và cách mạng của cả nước.