Do chưa có khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, nên người dân ở TT.Hương Khê (H.Hương Khê, Hà Tĩnh) đã vứt rác thải ra dọc đường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
 
Sống chung với rác
 
Theo phản ánh của người dân địa phương, trước đây toàn bộ rác thải sinh hoạt trên địa bàn TT.Hương Khê được Hợp tác xã môi trường đô thị Hương Khê thu gom và vận chuyển, đổ vào bãi rác Trại Lợn (xã Gia Phố, H.Hương Khê). Đến năm 2017, UBND H.Hương Khê đã cho đóng cửa bãi rác Trại Lợn vì mùi hôi thối và ruồi nhặng “tấn công” người dân.
 
Cũng trong năm này, UBND H.Hương Khê được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt cho xây dựng dự án khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung trong khu rừng thuộc xã Hương Thủy (H.Hương Khê) với tổng mức đầu tư là 23 tỉ đồng. Mặc dù gần 3 năm trôi qua, nhưng dự án này đến nay vẫn đang “nằm” trên giấy.
 
Ông Phạm Quang Hùng (58 tuổi, ngụ khối 7, TT.Hương Khê) cho biết, nguyên nhân khu xử lý rác chưa xây dựng được do một số người dân ở các xã Hương Thủy và Gia Phố quyết liệt phản đối. Họ cho rằng nếu dự án được xây dựng ở khu vực rừng thuộc xã Hương Thủy sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân 2 xã trên.
 
“Mấy năm nay, vì không có nơi xử lý rác thải, nên người dân vứt rác bừa bãi khắp nơi. Ra đường nhìn đâu cũng thấy rác. Ô nhiễm vô cùng”, ông Hùng ngao ngán nói.
 
Cũng theo ông Hùng, trong thời gian chờ đợi dự án triển khai, UBND H.Hương Khê có ký hợp đồng với một đơn vị môi trường để thu gom và vận chuyển rác thải ở TT.Hương Khê đi xử lý. Tuy vậy, do lượng rác sinh hoạt thải ra mỗi ngày quá lớn nên đơn vị thu gom không chở hết, gây ùn ứ rác trong thị trấn.
 
Theo ghi nhận của phóng viên, dọc các bãi đất trống trong khu dân cư, hai bên đường Hồ Chí Minh hoặc ven đường sắt bắc - nam (đoạn qua TT.Hương Khê) đều xuất hiện các bãi rác tự phát. Rác thải chất thành từng đống, tồn đọng nhiều ngày không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn bốc mùi hôi thối, gây khó chịu cho người dân.
 
Bà Lương Thị Thiêm (61 tuổi, ngụ khối 10, TT.Hương Khê), nhà cạnh bãi rác tự phát bức xúc: “Chúng tôi đã sống chung với rác thải suốt gần 3 năm nay nên sức khỏe cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Chỉ mong chính quyền địa phương sớm có phương án để triển khai xây dựng khu xử lý rác cho thị trấn”.
 
Tiếp tục vận động người dân
 
Ông Nguyễn Kim Tình, Chủ tịch UBND TT.Hương Khê, cho hay địa bàn có hơn 3.500 hộ dân, trong đó có hơn 1.000 hộ làm nghề kinh doanh, dịch vụ, nên mỗi ngày lượng rác thải phát sinh là rất lớn. Vì không có nơi xử lý tập trung nên người dân mới phải tập kết rác ra hai bên đường.
 
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị lên cấp trên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thuyết phục các hộ dân phản đối dự án để khu xử lý rác thải tập trung sớm được xây dựng, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm do rác thải gây nên”, ông Tình nói.
 
Theo ông Nguyễn Xuân Quyền, Trưởng phòng TN-MT H.Hương Khê, vị trí UBND H.Hương Khê chọn để xây dựng dự án khu xử lý rác thải tập trung đã được Viện Công nghệ Môi trường (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) về trực tiếp khảo sát, đánh giá là phù hợp và đảm bảo tất cả các yếu tố về môi trường.
 
Tuy nhiên, một bộ phận người dân cho rằng cần phải chọn vị trí cách xa khu dân cư hơn nữa, nên đã ra sức phản đối. Những năm qua, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần tổ chức đối thoại, giải thích nhưng đến nay vẫn chưa được người dân đồng thuận.
 
“Mấy năm nay, năm nào huyện cũng phải bỏ ra khoảng 3 tỉ đồng thuê các đơn vị môi trường chở rác ra ngoại tỉnh để xử lý. Trung bình mỗi tuần có 3 chuyến xe đi thu gom, nhưng do quãng đường đến nhà máy xử lý rác quá xa nên không thể giải quyết được toàn bộ lượng rác trong ngày. Hiện, huyện vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh để có giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng này”, ông Quyền nói./.