Chợ Gôi (xã An Hoà Thịnh), chợ Choi (xã Tân Mỹ Hà) ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) được hình thành từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trước đây, ngoài việc bày bán lương thực, thực phẩm và hàng hoá nông sản của địa phương, cứ đến phiên chợ, người dân trong vùng còn mang cả trâu, bò ra bán nên còn có tên gọi dân dã là chợ trâu, chợ bò.
Các chợ này cứ 2 ngày được họp 1 lần, luân phiên nhau theo quy luật “lẻ Gôi, đôi Choi” nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân các xã Sơn Ninh, An Hòa Thịnh, Sơn Lễ, Sơn Tiến, Tân Mỹ Hà… (huyện Hương Sơn) và bà con các khu vực lân cận.
Theo thời gian, trâu bò không được đem bán ở đây nữa, tuy nhiên cái tên chợ trâu, chợ bò vẫn xuất hiện mỗi năm một lần vào các ngày 19 và 20 tháng Chạp dành cho trẻ em và đã đi vào đời sống các thế hệ con em Hương Sơn từ trước tới nay.
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 19, 20 tháng Chạp, mới sáng tinh mơ, người dân xã An Hoà Thịnh và Tân Mỹ Hà và các khu vực lân cận lại gồng gánh tụ tập về chợ Gôi, chợ Choi, đem theo nhiều loại thức ăn, nước uống, đồ chơi, các hàng hoá, sản vật địa phương để bày bán.
Chị Nguyệt (quê ở Đô Lương, Nghệ An) cho biết, mỗi năm 2 ngày, chị mang kem khói từ Đà Sơn đến đây để phục vụ các cháu nhỏ. Đây là phiên chợ đặc biệt nên không quản ngại đường sá xa xôi, không chú trọng về thu nhập mà một phần như để tìm lại ký ức tuổi thơ của mình.
Còn chị Tân (xã Sơn Ninh) chia sẻ, chị có tiệm bánh Tân Tân tại ngã ba Nầm, mỗi năm đến 2 ngày này là giao lại tiệm bánh cho chồng, về đây bày bán cho vui, phục vụ trẻ con đi chợ ăn quà vặt.
Nhiều chàng trai, cô gái lớn tuổi cũng mang theo những chùm bóng bay để bán. Với họ, không phải tính chuyện lời lãi mà góp thêm không khí vui tươi, nhộn nhịp trong phiên chợ truyền thống của quê hương.
Khác với ngày thường và các phiên chợ khác trong vùng, vào 2 ngày này, đối tượng tham gia phiên chợ chủ yếu là trẻ con. Các cháu bé thì được bố mẹ diện cho quần áo mới, mua cho nhiều loại đồ chơi yêu thích. Các cháu lớn hơn, tự đi được một mình thì bố mẹ, người thân cho tiền, muốn mua gì tuỳ thích, có bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu, ăn uống, mua sắm khi nào hết tiền thì về.
Vì người tham gia phiên chợ chủ yếu là trẻ con nên các mặt hàng cũng thiên về sở thích của đối tượng này. Các cháu gái thường quây quần bên các món ăn vặt như xoài dầm, kem khói, bánh mỳ, xúc xích chiên… Còn các bạn trai lại tập trung tại khu vực các trò chơi.
Phong tục cho tiền đi chợ trâu, chợ bò không chỉ dành riêng cho trẻ con, mà người lớn cũng háo hức không kém. Họ đến chợ không chỉ để thỏa mãn mua bán hàng hóa mà chủ yếu là gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt tình cảm quê hương, ôn lại những nét đẹp văn hóa cổ truyền của làng xóm.
Anh Đạt (Sơn Hoà cũ) cho biết, anh cùng con trai 4 tuổi từ Bình Dương về tránh dịch và đón tết cổ truyền. Khi nhỏ thường xuyên tham gia phiên chợ này, giờ đưa con đi chợ cho vui vừa tìm lại tuổi thơ của mình.
Ông Nguyễn Hữu Đông, Chủ tịch xã An Hòa Thịnh cho biết, chợ trâu, chợ bò được hình thành từ lâu đời, trước đây có bán trâu bò, sau này trở thành chợ ngày tết cho trẻ con. Đi chợ trâu, chợ bò có 2 đặc trưng đó là để được ăn quà và mua đồ chơi.
Cũng theo ông Đông, ngoài nét văn hóa giành cho trẻ con, bây giờ người lớn cũng tìm về, dẫn con cháu đi. Họ về đi chợ để tìm lại một thời tuổi thơ của mình./.