Dù được gọi là ông giáo nhưng người đàn ông này chưa từng qua một trường lớp đào tạo sư phạm nào, thậm chí tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 ông cũng không có. Thế nhưng, ông giáo làng này đã nức tiếng cả một vùng đất hiếu học, bởi gần 30 năm qua ông đã chèo lái con thuyền tri thức đưa hàng ngàn em học sinh vào giảng đường đại học với số điểm cao.
 
Ông giáo ấy là Đặng Tiến Dũng (SN 1957, ở xóm 5 xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), người đàn ông được người dân nơi đây thương mến gọi bằng cái tên gần gũi "ông giáo làng".
 
Nghị lực của người đàn ông tật nguyền
 
Con đường nhỏ ngoằn nghèo dẫn vào thôn 5 xung quanh toàn những cây cổ thụ. Căn nhà cấp 4 đơn sơ của gia đình ông Dũng nằm giữa đồi núi chỉ rộng 30m2 với những bộ bàn ghế cũ và bục giảng đặt ở góc nhà.
 
Ông Dũng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 5 anh chị em. Lúc chào đời, ông cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng bi kịch bắt đầu ập đến khi cậu bé Dũng được một tuổi. Sau cơn sốt vi rút ác tính, tứ chi của ông bất động hoàn toàn. Chạy chữa khắp nơi, sau cùng cũng chỉ cứu được hai tay, còn đôi chân ông hoàn toàn mất cảm giác.
 
Dù không lành lặn như mọi người, nhưng với niềm đam mê học chữ, ông Dũng vẫn được bố mẹ thay nhau cõng đến trường. Đến năm lớp 7, bất ngờ sau một trận sốt, một bên chân của ông Dũng lại cử động được. Sau tia hy vọng nhỏ nhoi đó, gia đình lại đưa ông đi chữa khắp nơi song không mang lại kết quả.
 
Trong thời gian nằm điều trị dài ngày tại Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội, được các anh chị thương, bệnh binh giúp đỡ, ông Dũng đã xuất sắc tự học và hoàn thành xong chương trình cấp ba trung học.
 
"Lúc đó tôi tuyệt vọng lắm, mọi ước mơ của tôi đang còn dang dở.  Mãi một thời gian sau mọi người khuyên nhủ nhiều tôi mới bình tâm lại. Tôi cứ nghĩ mỗi con người có một số phận, mình cứ lạc quan mà sống. Ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy đi của ai tất cả" – ông Dũng tâm sự.


 
Lớp học đơn sơ của "ông giáo làng"
 
Năm 1985, lối rẽ cuộc đời đến với chàng trai tật nguyền Đặng Tiến Dũng khi có cô gái làng khâm phục trước ý chí, nghị lực và đã đem lòng yêu thương ông. Cùng năm đó, ông tổ chức đám cưới, cuốn sách cuộc đời được lật sang một trang mới.
 
Lấy vợ, ông lần lượt sinh hạ được 5 người con. Quần quật mưu sinh với đủ thứ nghề, từ sửa xe, làm ruộng đến đan lát, viết sớ thuê, làm mộc…, ai kêu gì ông làm nấy để kiếm tiền nuôi con ăn học.
 
Cũng bởi nghèo nên các con của vợ chồng ông đều không được đi học thêm. Thương con, ngày làm lụng, tối về ông chong đèn dạy con học chữ. Ấy vậy mà 5 đứa con ông, đứa nào cũng là học sinh giỏi của tỉnh, đều đỗ đạt cao.
 
Khi cô con gái đầu Đặng Thị Phương đậu vào Đại học Kinh tế Quốc dân mà không qua bất cứ lớp học thêm nào, tiếng lành về ông mới bắt đầu được biết đến.
 
"Hồi đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn, tuy vậy những người con của tôi đứa nào cũng ham học. Đêm nào, mấy bố con cũng chong đèn học cùng nhau, cái gì chúng không hiểu tôi hướng dẫn. Nhờ thế, đứa nào cũng học tốt. Nhiều người thấy thế nên gửi con đến nhờ kèm hộ. Họ gửi đứa nào, tôi nhận đứa đó. Kèm cặp con mình học thế nào thì tôi dạy cho con họ như thế. Đứa nào đến học cũng đều tiến bộ" – ông Dũng chia sẻ.
 
Lớp học của "ông giáo" tật nguyền
 
Gần 30 năm nay, căn nhà nhỏ của ông Dũng như một lớp học nhỏ của các em học sinh nghèo vùng sơn cước này. Ở lớp học của ông, học sinh nhiều lứa tuổi, từ lớp 2 đến ôn thi chuyển cấp và đại học. Ông không phân lớp mà phân loại học sinh theo trình độ để kèm cặp. Riêng ôn thi cuối cấp, ông dạy 3 ca/3 lớp/ngày. Học sinh ở xa, ông cho ở lại nhà. Những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ông không thu học phí.


 
Vào ngày lễ, học sinh cũ lại tìm về nhà ông để tặng hoa, quà
 
Ông dạy từ sáng đến chiều tối, chia thành nhiều ca học, nhiều lớp khác nhau. Ngoài lớp học ở nhà, ông còn có lớp học ở thị trấn Hương Khê với hơn 20 học sinh. Lớp này được dạy tại gia đình một em học sinh. Lúc rảnh, ông lại chạy xe máy hoặc đón xe buýt một mình lên dạy các em.
 
Vào vụ gặt hái, nhiều phụ huynh muốn ông chuyên tâm để dạy con của họ nên nhà ông có bao nhiêu sào ruộng, họ đều thay nhau đến cấy cày và gặt hái cho ông.
 
Theo ông Dũng, phương pháp tốt nhất là tự học, để các em học với nhau trước khi mình tham gia. Ông đã biến lớp học nhỏ của mình thành sân chơi cho các em tự tìm kiến thức. 
 
"Không phải ngẫu nhiên mà có hàng nghìn học sinh theo học. Trong mọi vấn đề, điều cốt lõi là đi đúng trọng tâm, đặc biệt là giữa người thầy và học trò phải gần gũi, xem nhau như bạn, việc học sẽ dễ dàng hơn", ông giáo làng nói về phương pháp của mình.

 
Tính đến hiện tại, đã có hàng ngàn em học sinh theo học ông Dũng.
 
Người thầy mang tấm lòng người cha nên học sinh luôn trân quý. Mỗi năm, đến ngày Nhà giáo Việt Nam, nhà ông lại vui như ngày hội, rộn rã tiếng cười với tấm lòng tri ân của bao lớp học trò.
 
"Học sinh đến với tôi ăn ở như người trong nhà. Có hôm có đến 30 đứa ở lại ăn cơm. Nhiều hôm bọn chúng ghép bàn học làm thành giường nằm ngủ, chúng nó tình cảm lắm. Có những em học sinh học với tôi cách đây gần 20 năm rồi nhưng vẫn tìm về thăm. Thực sự rất xúc động" – ông Dũng trải lòng.
 
Với những cống hiến thầm lặng cho sự nghiệp trồng người, thầy "giáo làng" Đặng Tiến Dũng đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của xã, huyện và tỉnh. Đặc biệt, năm 2010, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về tấm gương rèn luyện, làm theo Bác Hồ trong dịp tổng kết cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Tất cả những điều ấy là niềm khích lệ, động viên ông tiếp tục đam mê với công việc gieo chữ của mình.
 
Mang tấm thân tật nguyền từ thuở nhỏ, với nghị lực vươn lên, vượt qua mặc cảm, ông Đặng Tiến Dũng đã trở thành niềm tự hào của người dân Hương Khê khi giúp cho con em họ có thêm niềm tin trước ngưỡng cửa cuộc đời mình.
 
Mấy chục năm thầm lặng cống hiến, thành quả của ông Dũng là rất nhiều học trò đã thành danh, nhiều người trong số họ hiện đang là cán bộ, công chức của một số cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trong và ngoài tỉnh.