Người dân ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) nhiều năm nay phải đeo khẩu trang, đóng kín cửa nhà vì mùi hôi thối của nước thải chăn nuôi lợn và sản xuất bún bánh.
 

 
3 hồ nước trước khu dân cư ở tổ dân phố 8, thị trấn Thạch Hà chuyển màu đen, đóng váng, bốc mùi hôi thối vì nước thải chăn nuôi lợn. 
 
Báo nhận được phản ánh của nhiều hộ dân sống tại tổ dân phố 8, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà xung quanh việc môi trường sống bị “bức tử” bởi mùi hôi thối của việc chăn nuôi lợn và sản xuất bún trong khu dân cư.
 
Ông N., một hộ dân ở đường Trương Quốc Dụng cho hay, phía sau gia đình ông đang sinh sống có khoảng 10 gia đình hành nghề sản xuất bún. Mặc dù hoạt động thường xuyên nhưng các hộ dân không xây dựng hố lắng lọc, xử lý nước thải mà trực tiếp xả ra kênh mương trong khu dân cư khiến môi trường sống ô nhiễm nghiêm trọng.
 
 
Nước thải chăn nuôi của hộ ông Thanh xả thẳng ra môi trường thông qua một chiếc cống.
 
“Toàn bộ nước thải từ các hộ làm bún đều đổ thẳng ra kênh mương của tổ dân phố sau đó chảy ra cánh đồng ngay trước ngõ gia đình tôi. Mỗi hôm nắng, gió nồm, mùi hôi thối xộc thẳng vào nhà không thể thở nổi. Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri nhưng chính quyền địa phương vẫn không có giải pháp chỉ đạo khắc phục”, ông N. ngao ngán nói.
 
Một hộ dân khác xin dấu tên tố gia đình ông Nguyễn Sỹ Thanh, bà Lưu Thị Vân, cùng tổ dân phố 8 chăn nuôi lợn, bò ngay trong khu dân cư mà không đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường.
 
 
Chăn nuôi trong khu dân cư đang 'bức tử' môi trường sống của người dân tổ dân phố 8. 
 
Theo đó, gia đình ông Thanh nhiều năm nay thường xuyên nuôi hàng chục con lợn nái, lợn con, lợn thịt và 1 con bò trên diện tích khoảng 40 – 50m2. Toàn bộ chất thải chăn nuôi đều xả thẳng ra hồ nước cạnh đường dân sinh Trương Quốc Dụng. Nguồn nước thải này đóng váng đen kịt, chảy qua một chiếc cống bắc qua đường, phủ hết 3 mặt hồ thuộc phần đất của thị trấn Thạch Hà.
 
Người dân sống trong vùng bức xúc cho biết, những hôm trời trở nắng, gió mùa, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, bà con phải đóng hết cửa nhà, bịt kín khẩu trang.
 
Thời điểm chúng tôi đến, trong chuồng của gia đình ông Thanh đang nuôi 1 con bò, 1 con lợn nái và 17 con lợn cai sữa. Bà Lưu Thị Vân thừa nhận, nước thải chăn nuôi của gia đình xả thẳng ra môi trường khi chưa được xử lý. Bản thân gia đình bà cũng từng phản ánh đến chính quyền về tình trạng ô nhiễm môi trường ở thị trấn Thạch Hà(!).
 
 
Ngoài mùi hôi thối của chất thải chăn nuôi, tình trạng nước thải từ sản xuất bún gây ô nhiễm môi trường cũng khiến người dân hết sức bức xúc
 
PV hỏi: vì sao gia đình không lắp đặt bể biogas?, bà Vân nói: “Tôi đăng ký lên thị trấn mấy lần xin hỗ trợ làm biogas nhưng không được hỗ trợ nên gia đình không làm nữa”. Không được hỗ trợ, gia đình cũng phải lắp đặt để bảo vệ môi trường?- PV hỏi tiếp. Bà Vân bảo: “Bỏ ra hơn chục triệu làm biogas thì dân không có. Mà giờ quỹ đất cũng xây chuồng trại hết rồi”.
 
Về phía chính quyền địa phương, ông Phạm Xuân Lương, Phó Bí thư thị trấn Thạch Hà thông tin, mấy năm trước thị trấn có nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi và làm bún trong khu dân cư. Tuy nhiên, gần đây ít nhận được phản ánh hơn.
 
“Về bức xúc của người dân tổ dân phố 8, tôi sẽ báo cáo lại với đồng chí Bí thư để kiểm tra, chỉ đạo xử lý kịp thời”, ông Lương nói./.