k-1645491987.jpg

Trẻ có thể gặp những nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng tâm lý khi thông tin, hình ảnh riêng tư bị chia sẻ tràn lan trên không gian mạng. (Ảnh internet).

Chị Trần Thị Thu Hiền (phường Nam Hà - TP Hà Tĩnh) dùng Facebook đã nhiều năm nay. Chị cũng có thói quen, sở thích cập nhật những thông tin, hình ảnh liên quan đến cuộc sống của mình nên lượng bạn bè tương tác trên trang cá nhân của chị khá lớn.

Một trong những trạng thái mà chị thường xuyên cập nhật là hình ảnh về cô con gái 5 tuổi của mình. Những hình ảnh sinh hoạt cá nhân của bé ở nhà, ở trường, lúc đi chơi... hầu hết đều được chị lưu lại và chia sẻ ở chế độ công khai. Chị Hiền chia sẻ: “Mình rất muốn lưu lại hình ảnh của con lúc bé để làm kỷ niệm và cũng muốn chia sẻ với người thân, bạn bè những giây phút đáng yêu của con”.

Trên Facebook cá nhân của chị Nguyễn Ngọc Hương (thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà) - một người bán hàng online, cũng thường xuyên đăng tải hình ảnh ngộ nghĩnh, đáng yêu của trẻ em. Chị Hương cho biết, đó là hình ảnh của cháu hoặc con nhà hàng xóm.

Khi được hỏi đã nhận được sự đồng ý của bố mẹ trẻ trước khi chia sẻ thông tin hay chưa thì chị Hương thành thật trả lời: “Các bé rất dễ thương, đáng yêu, do muốn tăng tương tác cho trang bán hàng cá nhân nên tôi đăng lên chứ cũng ít khi nghĩ đến việc phải xin phép bố mẹ, người thân của trẻ”.

kk-1645492007.jpg

Việc bảo vệ thông tin, hình ảnh của trẻ em được pháp luật quy định rất cụ thể. (Ảnh internet).

Bố mẹ, người thân vô tư đăng hình ảnh, thông tin cá nhân, riêng tư của trẻ; người lạ đăng hình ảnh trẻ lên mạng xã hội là điều rất dễ bắt gặp hiện nay. Và có một thực tế là ít ai, kể cả phụ huynh ý thức được rằng, điều đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Thậm chí, nhiều vụ việc những thông tin thất thiệt về trẻ em chưa được kiểm chứng đã được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là những hành vi vi phạm quy định của pháp luật.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Phan Văn Chiều - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Điều 31 Nghị định 130/2021/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định việc tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên hoặc cha mẹ, người giám hộ có thể bị xử phạt hành chính đến 30 triệu đồng và bị buộc thu hồi, gỡ bỏ”.

kkk-1645492036.jpg

Luật sư Phan Văn Chiều trao đổi với phóng viên về vấ đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Nhiều điều khoản khác trong Luật An ninh mạng 2018, Luật Trẻ em 2016 cũng quy định chi tiết về những hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng khỏi những nguy cơ như: thông tin xấu độc, xâm phạm đời tư, bắt nạt, xâm hại tình dục...

Quy định của pháp luật khá rõ ràng, tuy nhiên, trên thực tế, việc xâm phạm bí mật đời tư cá nhân của trẻ em trên không gian mạng diễn ra khá phổ biến. Điều đáng nói là không chỉ người dùng mạng xã hội nói chung vi phạm mà nhiều phụ huynh, người giám hộ của trẻ vẫn chưa hiểu biết đầy đủ các quy định và nhận thức được tác hại của vấn đề này.

kkkk-1645492063.jpg

Một trong những vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ thông cá nhân của trẻ em bị đề nghị xử lý. (Ảnh minh họa).

Việc chia sẻ tràn lan những hình ảnh riêng tư, những thông tin chưa được kiểm chứng có thể khiến trẻ đối mặt với nguy hiểm hoặc chịu những tổn thương nặng nề về mặt tâm lý. Hơn nữa, thông tin trên không gian mạng sẽ tồn tại lâu, dễ bị chia sẻ lại khi các em đã lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của trẻ. Vì vậy, trước khi đăng tải, chia sẻ những gì liên quan đến trẻ, người lớn cần cân nhắc kỹ lưỡng để bảo vệ trẻ và tránh những rủi ro về pháp lý có thể gặp phải./.