Tôi muốn bắt đầu nhìn xa như thế, để nhìn gần vào Hà Tĩnh. Hà Tĩnh nói riêng, xứ Nghệ nói chung như thơ Hoàng Trần Cương đã viết: “Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ/Không ai gieo mọc trắng mặt người”. Từ những năm 30, tương truyền Tổng đốc Tôn Thất Đàn đã nói một câu nổi tiếng: “Hữu Nghệ Tĩnh bất phú, vô Nghệ Tĩnh bất bần…”, ý nói kinh tế Nghệ Tĩnh chẳng có gì, chẳng đóng góp gì cho đất nước.
Hà Tĩnh là một tỉnh đất không rộng, dân không đông (non triệu rưỡi), chỉ xét về dân số, diện tích, kinh tế, thì là một tỉnh nhỏ. Cái vùng đất be bé ấy, nhưng lại bé hạt tiêu; nho nhỏ ấy nhưng “nhỏ mà có võ”.
Trong nhiều thế kỷ, Hà Tĩnh là phên dậu phía Nam của Đại Việt. Không chỉ là bức tường ngăn kẻ thù bành trướng, nhất là Chiêm Thành từ phía Nam, mà còn là một căn cứ để thực hiện những cuộc Nam tiến ngoạn mục. Đây là chốn dung thân của các anh hùng (lẫn tội đồ). Từ An Dương Vương, Trần Ngỗi đến Hồ Quý Ly… khi thất thế, đều quay đầu về Nam, đến Xứ Nghệ mong khôi phục nghiệp lớn. Lê Lợi khởi nghiệp ở Thanh Hóa, “khi Linh Sơn lương hết mấy tuần, khi Khôi Huyện quân không một đội” cũng phải lui vào Hoan Châu tuyển binh, khôi phục lực lượng mới viết nên những dòng thứ nhất của khúc ca chiến thắng Bình Ngô: Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay.
Người Nghệ Tĩnh có truyền thống anh hùng, truyền thống đánh giặc một cách đặc biệt. Trong đánh Mỹ, chiến trường nào, vị chỉ huy nào cũng muốn xin lính Nghệ Tĩnh. Người xưa từng tổng kết: Nếu cả nước mất thì vẫn còn Nghệ Tĩnh. Nếu Nghệ Tĩnh mất thì vẫn còn một làng. Nếu làng ấy mất, còn một người vẫn chiến đấu.
Cái tinh thần Tổ quốc trên hết, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, có từ lâu, trước cả thời Đặng Dung, một người Can Lộc mài gươm khuyết mấy vầng trăng dưới chân Hồng Lĩnh: “Nợ nước chưa đền đầu sớm bạc/Mấy độ mài gươm bóng nguyệt tà”. Nhìn lại xưa mà hiểu ra nay, biết được vì sao người Hà Tĩnh theo Đảng sớm thế, Xô-viết sớm thế, giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám sớm thế (16/8), thời chống Mỹ có Đồng Lộc anh hùng thế…
Danh nhân văn hóa ở Hà Tĩnh thì ít nơi sánh được. Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng Lãn Ông, Tả Ao, Nguyễn Thiếp, Bùi Dương Lịch…
Cuối phố Hàng Bông có một địa chỉ ẩm thực nổi tiếng là ngõ Cấm Chỉ. Ngõ này chỉ dài vài ba chục mét, ăn liền ra phố Tống Duy Tân. Xưa nơi này gần Trường thi Thăng Long (phố Tràng Thi) nên có rất nhiều hàng bán bút mực, đồ dùng cho sĩ tử. Bút lông ở đây đẹp và tốt, thời Lê có câu “Bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc” (Can Lộc, Hà Tĩnh). Sĩ tử Can Lộc hồi đó nhiều, giỏi; nổi bật lên có Vũ Diệm, người Vượng Lộc, đỗ cao, văn hay nhất kỳ thi Tiến sĩ năm Cảnh Hưng thứ 48 - 1787.
Thời kỳ hiện đại, những Hoàng Xuân Hãn, Võ Liêm Sơn, Lê Văn Thiêm, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Đình Tứ, Phan Đình Diệu, Phan Huy Lê, Võ Quý… đều là những con người mang tầm vóc quốc tế.
Mùa hè năm 2000, nhà thơ Tố Hữu và vợ có chuyến hành hương dài từ Hà Nội về Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, tôi được ăn trưa với ông bà tại Vinh. Nhà thơ lớn quay về Nghi Xuân vái cụ Nguyễn Công Trứ mấy cái liền: "Tài đến rứa là cùng, khí phách đến rứa là cùng, đức độ làm quan đến rứa là cùng, mà chơi nhởi cũng hay đến rứa là cùng".
Ai cũng biết Nguyễn Công Trứ có “cái tôi” ngất ngưởng "Trời đất cho ta một cái tài /Giắt lưng dành để tháng ngày chơi", "Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông/Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng"; "Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng/Kìa núi nọ phau phau mây trắng/Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi/Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì/Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng"… Nhưng cái tôi trách nhiệm mới là con người thực, là ông vua suốt đời ông tôn thờ. Năm Thiệu Trị thứ tư (1844), đang làm Tuần vũ An Giang, Nguyễn Công Trứ bị Nguyễn Công Nhàn mang lòng đố kỵ, vu cáo ông chở thuyền gian, thu mua sừng tê giác cấm. Ông bị cách hết chức tước, bắt làm lính trơn sung vào đội quân tuần thú (như bộ đội biên phòng) ở Quảng Ngãi. Tuần vũ tỉnh ấy thấy Nguyễn Công Trứ nguyên là mệnh quan triều đình, lại đã 65 tuổi rồi mà phải mặc áo ngắn, đội nón dấu, đeo dao tu thì rất ái ngại, định lấy đồ khác thay cho đồ lính thú. Nguyễn Công Trứ vội ngăn:
- Xin ngài cứ để vậy. Lúc làm Đại tướng, tôi không lấy làm vinh, thì nay làm tên lính, tôi cũng không lấy làm nhục. Người ta ở địa vị nào, có nghĩa vụ đối với địa vị ấy, làm lính mà không mang đồ ấy thì sao gọi là lính được! Tuần vũ Quảng Ngãi càng thêm bội phục, viết sớ tâu lên vua Thiệu Trị đề nghị xét lại vụ án, mới rõ Công Nhàn vu oan!
Nói đến tài danh Hà Tĩnh, tôi thấy người ta hay nhắc đến các đấng mày râu, ít khi nói đến các bà. Tôi thấy chính các bà mới làm ra, gìn giữ, phát huy truyền thống các dòng họ, truyền thống quê hương: Nhớ quê, tôi nhớ người con gái/Cứ lớn và xinh giữa gió Lào/Làm dâu, làm mẹ nuôi hào kiệt/Xây nền trung hiếu giữa gian lao. Vùng quê tôi do Hoàng hậu Bạch Ngọc (Trần Thị Ngọc Hào, người Hương Khê, vợ vua Trần Duệ Tông, mẹ Công chúa Huy Chân) khai khẩn nên.
Theo GS. Phan Huy Lê: “Trên vùng đất quê hương này, bà cùng các cận thần đã tổ chức khẩn hoang lập nên nhiều làng xóm mới. Khu vực khẩn hoang khá rộng lớn, trên từ Lâm Thao, Hòa Duyệt (thuộc Hương Khê), Thượng Bồng, Hạ Bồng (thuộc Hương Sơn), giữa đến Lạng Quang, Du Bồng, Đồng Quang (thuộc Đức Thọ), dưới đến Thường Nga, Lai Thạch (thuộc Can Lộc). Diện tích khai phá lên đến 3.965 mẫu”.
Và đó là cơ sở hậu cần quan trọng cung cấp người và của cho Lê Lợi trong kháng chiến chống quân Minh. Lê Lợi được bà Bạch Ngọc gả con gái cho khi ông đóng đô ở động Tiên Hoa, Sơn Phúc, huyện Hương Sơn.
Nói về bà Bạch Ngọc, dù sao cũng lá ngọc cành vàng, được hun đúc bởi văn hóa kinh kỳ. Còn đàn bà con gái thường dân ở Hà Tĩnh thì sao? Nếu các cô gái làng Kim Liên, Nghệ An làm cho Phan Bội Châu và các nhà nho hay chữ phải đau đầu nát óc trong những đêm hát ví, chẳng hạn “Đưa chàng một nắm ngô rang/Đúc lộ mô cho mọc, thiếp theo chàng về không” (lộ mô là chỗ nào; “lỗ” người Nghệ đọc là “lộ”, nên cũng có thể hiểu “lỗ nào” - hay thế); thì con gái Trường Lưu lúc nào cũng bằng vai, có khi vượt trội hơn cả Nguyễn Du. Nguyễn Du trêu o Cúc, một cô gái muộn chồng:
“Trăm hoa đua nở mùa xuân,
Cớ sao Cúc lại muộn mằn về thu?”
O Cúc hát lại liền:
“Vì ham một chút nhụy vàng
Cho nên Cúc phải muộn màng sang thu”.
Thuở nhỏ, tôi hay nghe mẹ tôi hát ru em:
Vì sương cho núi bạc đầu
Biển lay vì gió, hoa sầu vì mưa.
Mỗi đêm thắp một đèn trời
Cầu cho cha mẹ ở đời với con…
Câu hát nhà nông mà như những câu thơ cổ điển, còn hơn cổ điển vì tình người sâu đậm, da diết. Mỗi khi nhẩm lại, đến bây giờ tôi vẫn rưng rưng…
Con trai Hà Tĩnh hào hoa mà chung thủy, đời đời là cột trụ gia đình. Một câu ca mới, dù đùa vui, cũng thể hiện được hiện thực khách quan đó “Cầm vàng còn sợ vàng rơi/Lấy chồng Hà Tĩnh đời đời ấm no”.
Con gái Hà Tĩnh nặng tình mà nghĩa liệt. Ở Học viện Ngân hàng (Hà Nội), có bức tượng lớn của ông Lê Viết Lượng, người có công đầu xây dựng ngành ngân hàng Việt Nam. Bà Phạm Thị Trang, con gái của Tri huyện Hương Khê, yêu ông say đắm trong tình yêu lãng mạn của thanh niên trí thức đầu thế kỷ 20. Hai người đã nên vợ nên chồng, bỗng một hôm đột ngột nhận được bài thơ ly tình của ông: “Xa xôi ngàn dặm kiếp linh đinh/Xin mượn lời thơ gửi chút tình/Vì nghĩa búa liềm ra biểu tự/Nên tình chăn gối phải hy sinh/Bách niên đành chịu sai lời hứa/Tái giá xin đừng giữ chữ trinh/Ân ái vẫn còn ghi chút đỉnh/Ra làm cách mạng cứu sinh linh”. Bấy giờ, bà mới biết chồng mình là cộng sản, đã bị Pháp bắt, viết bài thơ này khuyên bà đi lấy người khác kẻo liên lụy. Bà Trang đã từ Bắc lặn lội vào Nam dò hỏi tin ông từ Lao Bảo, Buôn Mê Thuột, đến Kom Tum, nhờ người chuyển vào tù bài thơ họa nguyên vận, thể hiện sự trung trinh, tiết liệt: “Thương chàng ngàn dặm bước linh đinh/Nặng gánh bồng tang nhẹ gánh tình/Dù phải chông gai đành quyết tử/Để cho Tổ quốc được hồi sinh/Kìa, chàng đã quyết lo tròn nghĩa/Đây, thiếp rày xin giữ vẹn trinh/Nhi nữ phen này đà quyết chí/Thề cùng xã hội trước gươm linh!”. Và bà đã không tái giá, tham gia cách mạng từ đó.
Khi đọc đến đây, có lẽ bạn đọc nghĩ tôi đang khoe quê. Không, tôi đang đau đấy. Không hiểu sao con người thì thế, đất học thì thế, truyền thống thì thế mà lâu nay Hà Tĩnh cứ nghèo mãi!
Phải đến năm 2023 tôi mới thấy lòng tự hào, phấn chấn vì Hà Tĩnh đã bước vào đĩnh đạc ở tâm của mũi tên đi lên. Từ một tỉnh áp chót về kinh tế, trong vòng 30 năm đã vươn lên tốp giữa, xếp trên Thanh Hóa, Nghệ An. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 chia bình quân đầu người của Hà Tĩnh là 69,69 triệu đồng, xếp thứ 30 trong cả nước. Năm 2023, dù dư âm của dịch bệnh, dù xung đột Nga - Ukraine, Israel - HAMAS diễn ra gay gắt, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, ảnh hưởng nặng nề từ nền kinh tế thế giới, GDP của Hà Tĩnh vẫn tăng hơn 8%, cao hơn mức tăng trưởng của cả nước.
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đội ngũ doanh nhân đều rất trẻ, có ngoại ngữ, cập nhật nhanh về công nghệ thông tin, khoa học quản lý, chuyển đổi số, bình thản đón nhận gió bão của thời đại 4.0.
Những tưởng “Thân em như hạc đầu đình/Muốn bay chẳng cất nổi mình mà bay”, nay mừng đã tưng bừng chuyển động.
Năm 1945, Bác Hồ gửi thư cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bày tỏ sự tin tưởng, non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em. Hà Tĩnh là vùng đất học, học sinh Hà Tĩnh các thế hệ đều thuộc lòng câu này của Bác như chính tâm nguyện của mình.
Ngày 6/7/1966, khi tiếp đoàn cán bộ Hà Tĩnh nhân dịp đoàn đi học làm lúa ở Thái Bình về, Bác Hồ tha thiết căn dặn và hỏi: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên… Các đồng chí có làm được thế không? Làm được chứ?”.
Làm thế nào để cho Hà Tĩnh nổi bật lên? Đó là con người, mãi mãi vẫn là con người, trong đó đặc biệt phải kể đến người đứng đầu. Từng bước quá độ trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã được Đảng ta làm sáng rõ. Năm 2008, sau chỉ hơn 20 năm Đổi mới, nước ta từ 3/4 dân số sống ở mức và dưới mức nghèo khổ, đã thành một nước thoát khỏi bẫy thu nhập thấp.
Xuân 2024 đã về, chân trời sáng hiện rõ cột mốc trăm năm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trăm năm thứ nhất Việt Nam phấn đấu thành một nước phát triển cao, Nhân dân có đời sống phồn vinh hạnh phúc.
Năm 2023, cả Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; cả Tổng thống Mỹ Biden đều đến thăm chính thức Việt Nam và khẳng định: Việt Nam có sự phát triển ngoạn mục về mọi mặt, Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Trong thành tựu kỳ diệu, có ý nghĩa lịch sử ấy, có sự đóng góp của Hà Tĩnh.
Cách đây hơn mười năm, tôi có hỏi doanh nhân Phạm Nhật Vượng: “Sao anh không đầu tư về quê?“. Anh ấy trả lời: “Sợ lỗ anh ạ”. Vậy mà gần đây, thấy Vingroup và nhiều nhà đầu tư đã chọn Hà Tĩnh là một trong những miền đất hứa.
Như vậy, người Hà Tĩnh, trong đó có người quản lý, người tiêu dùng, nguồn nhân công đã chuyển động.
Nguồn sáng không chỉ ở phía chân trời. Nguồn sáng trong niềm tin khoa học và quyết tâm thực hiện lý tưởng của con người.
Tôi gửi một tình yêu và hy vọng mãnh liệt ở quê hương Hà Tĩnh của tôi, ở những thế hệ lãnh đạo mới, con người Hà Tĩnh mới khỏe khoắn trên nền truyền thống, quyết tâm làm cho Hà Tĩnh nổi bật lên!