a-1639042086.jpg

Thửa đất của ông Lê Văn Hùng được cụ Lê Thị Bé cho từ năm 2010, ở khu Tái định cư phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh

“Bỗng dưng” có sổ đỏ!

Mặc dù đang làm công nhân khu công nghiệp Formosa Vũng Áng, nhưng ông Lê Văn Hùng, sinh năm 1967 (số nhà 03 Ngõ 17, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tổ dân phố Nhân Thắng, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã phải xin nghỉ không lương dài ngày để đi kêu cứu các cơ quan chức năng, làm rõ việc bản thân ông và vợ bị làm giả chữ kỹ để vay vốn ngân hàng.

Phản ánh với phóng viên Ngày mới Online (Tạp chí Người cao tuổi), ông Hùng cho biết, năm 2009, cụ Lê Thị Bé (mẹ ông Hùng) được cấp đất tái định cư thuộc dự án khu công nghiệp Formosa Vũng Áng, ở xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh (nay là thị xã Kỳ Anh), với diện tích chiều ngang mặt tiền 17m, chiều sâu 25m. Sau đó năm 2010, cụ Bé tiếp tục chia mảnh đất cho 3 người con, trong đó ông Hùng được cụ Bé cho một thửa có diện tích 150 m2 (chiều ngang 6m và chiều dài 25m).

Ông Hùng cho biết, do chưa có nhu cầu làm nhà, nên sau khi cụ Bé cho đất, gia đình ông vẫn để nguyên mà không đi làm thủ tục chuyển nhượng để sang tên đổi chủ. Đến giữa tháng 5/2021, ông Hùng lên UBND phường Kỳ Phương để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thì mới biết thửa mảnh đất mà mẹ mình cho đã có sổ đỏ và đứng tên mình nhưng lại bị đem thế chấp vay vốn tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hà Tĩnh.

b-1639042105.jpg

Ông Hùng và vợ con rất bất ngờ khi đất của mình chưa đề nghị cấp sổ đỏ lại bỗng dưng có và bị đem thế chấp vay ngân hàng

Ông Hùng quá bất ngờ vì bản thân ông chưa bao giờ có đơn đề nghị và ký hồ sơ cấp sổ đỏ đối với mảnh đất này mà “bỗng dưng” lại có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng tên tuổi mình? Điều làm ông bức xúc hơn là sổ đỏ lại bị ai đó đem thế chấp và giả chữ ký của ông để vay vốn tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hà Tĩnh, trong khi gia đình ông không có nhu cầu và chưa một lần vay Ngân hàng.

Ông Hùng bức xúc: “Năm 2010, bà cụ chia đất cho 3 anh em chúng tôi, trong đó thửa của chị gái tôi là Lê Thị Khoa nằm ngoài cùng với chiều ngang 5 mét, đến thửa đất tôi 6 mét nằm giữa và còn lại 6 mét là nhà bà cụ ở, nay đã cho anh trai của tôi. Lúc đó gia đình chưa có nhu cầu ở, với lại cứ nghĩ thửa đất mình nằm giữa của anh chị ruột nên sẽ không có chuyện tranh chấp, kiện tụng vì vậy gia đình tôi cũng chưa đi làm sổ đỏ. Nhưng vừa rồi lên phường để xin cấp sổ đỏ thì họ nói sổ của tôi đã có và còn nói tôi đem vay vốn Ngân hàng nữa, lúc đó tôi nghe như bị sét đánh luôn. Vì tôi chưa ký hồ sơ xin cấp sổ đỏ đối với mảnh đất đó bao giờ, và cũng chưa bao giờ vay vốn ngân hàng cả”.

c-1639042140.jpg

Phòng Giao dịch Kỳ Anh, Ngân hàng TMCP Công Thương -Chi nhánh Hà Tĩnh

Mập mờ, khuất tất khi giải quyết đơn thư của người dân

Mặc dù sổ đỏ mang chính tên mình, nhưng ông Hùng chưa một lần được nhìn thấy, tận tay mình cầm đến, lại bị đem thế chấp vay vốn Ngân hàng, ông Hùng đã làm đơn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị làm rõ. Nhưng quá trình giải quyết của chính quyền địa phương cũng như phía Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Hà Tĩnh, theo ông Hùng là có nhiều nghi vấn khuất tất.

Ông Hùng cho biết, khi phát hiện bị giả mạo chữ ký để vay vốn ngân hàng, ông đã đến gặp cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Kỳ Anh Ngân hàng TMCP Công Thương Hà Tĩnh để xác minh thông tin sự việc, làm rõ thực hư. Nhưng cán bộ Phòng Giao dịch Kỳ Anh Ngân hàng TMCP Công Thương Hà Tĩnh từ chối không hợp tác hỗ trợ.

Ông tiếp tục lặn lội tìm đến Ngân hàng TMCP Công Thương Hà Tĩnh (trụ sở đóng tại TP Hà Tĩnh) yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan nhưng phía Ngân hàng vẫn từ chối cung cấp đầy đủ sổ sách, hồ sơ liên quan món vay theo thế chấp sổ đỏ và đứng tên ông Hùng. Và sau đó, ngày 12/6/2021, ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Hà Tĩnh ký công văn gửi Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu xóa đăng ký thế chấp, còn Hợp đồng vay vố, sổ theo dõi dư nợ, …ông Hùng vẫn không được cung cấp, với lý do Ngân hàng đưa ra là bảo vệ bí mật thông tin khách hàng?!.

d-1639042166.jpg

Ông Lê Văn Chương, Chủ tịch UBND phường Kỳ Phương, người từng ký chứng thực bản Hợp đồng thế vay vốn liên quan sổ đỏ ông Hùng

Làm việc với UBND phường Kỳ Phương, ông Lê Văn Chương, Chủ tịch UBND phường cung cấp một số giấy tờ liên quan món vay nói trên gồm: sổ đỏ mang tên ông Lê Văn Hùng; Hợp đồng số: 102520051/HĐTC về Thế chấp Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất vay vốn Ngân hàng, ký giao dịch ngày 20/5/2011 giữa Ngân hàng TMCP Công Thương Hà Tĩnh – Phòng giao dịch Kỳ Anh và bên thế chấp ký tên Lê Văn Hùng và người đồng sở hữu chỉ điểm chỉ mà không có ghi rõ họ tên? Chứng thực cho hợp đồng Thế chấp nói trên là do ông Lê Văn Chương (thời điểm đấy ông Chương giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã).

Tuy nhiên, ông Chương cho biết, ký chứng thực không phải ông Hùng đến trực tiếp xin chữ ký mà qua bộ phận tham mưu của UBND xã. Phóng viên đặt câu hỏi trước sự phản ánh của người dân như thế, về phía chính quyền có quan điểm và biện pháp gì để giải quyết chưa? Ông Lê Văn Chương trả lời chính quyền phường không giải quyết vì người dân gửi đơn đến các cơ quan khác chứ không gửi đơn tố cáo đến UBND phường? Nhưng thực tế tìm hiểu của phóng viên, thì ông Lê Văn Hùng đã gửi đơn đến nhiều đơn vị, cơ quan chức năng đề nghị làm rõ hành vi giả mạo chữ ký của ông để vay vốn Ngân hàng, trong đó có gửi đến cả UBND phường Kỳ Phương qua đường bưu điện, ngày 20/8/2021.

Vậy phía UBND phường Kỳ Phương không nhận được đơn của ông Hùng hay có vấn đề gì khuất tất mà ông Chủ tịch UBND phường Kỳ Phương lảng tránh?.

Để có thông tin đa chiều, khách quan, phóng viên tiếp tục làm việc với Phòng Giao dịch Kỳ Anh - Ngân hàng TMCP Công Thương Hà Tĩnh đề nghị trao đổi, cung cấp thông tin liên quan, nhưng bị từ chối và cũng với điệp khúc “bảo vệ bí mật thông tin khách hàng”.

Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc điều tra làm rõ tổ chức hay cá nhân nào đã giả mạo chữ ký người khác để vay vốn ngân hàng, trả lại công bằng cho người dân, tránh gây bức xúc, dư luận xấu trong Nhân dân./.