Thời tiết nóng như đốt khiến người trồng cam trên địa bàn Hà Tĩnh đang đứng trước nguy cơ mất mùa. Không những vậy, nhiều diện tích cam đang ở độ tuổi cho thu hoạch đã bị héo quả, thậm chí chết cháy.
 
Giữa cái nắng trên 39°C, người dân trồng cam ở huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn…của Hà Tĩnh đang tìm mọi cách để tập trung chống hạn cho cây. Lắp đặt hệ thống tưới làm mát, dùng bao giấy đùm quả tránh nguy cơ cháy sém giữa cái nắng gắt của thời tiết.

 
Nắng nóng kèm theo thiếu nguồn nước tưới khiến cây trồng khô héo
 
Anh Lê Văn Thảo ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết: “Để cứu lấy gần 2 ha cam, gia đình đã đầu tư hệ thống tưới hàng chục triệu đồng, riêng tiền thuê nhân công tưới đã trên hai mươi triệu đồng. Cũng may vị trí trồng vẫn còn nguồn nước để tưới nhưng cũng đang cạn dần do mức độ nắng nóng quá khủng khiếp”.
 
 “Hàng ngày, hệ thống tưới vận hành liên tục để chống nóng cho cây, thuê nhân công đùm tất cả quả tránh bị sém nắng. Đồng thời, tiến hành các biện pháp để giữ độ ẩm khu vực góc cây dù có tốn kém nhưng vẫn duy trì cho cây trồng xanh tốt”, Anh Thảo nói.

 
Nhiều diện tích cam đã bị chết khô trước nắng nóng gay gắt
 
Cả năm chăm cây đợi ngày hái quả, bỗng gặp trận nắng hạn kéo dài đã khiến cho nhiều diện tích cây ăn quả, đặc biệt là cây cam của người dân các xã như Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Hương… được xem là những vựa cam của huyện Vũ quang đứng trước nguy cơ mất mùa. Thiếu nước nhiều nương, vườn cam đang bị héo quả, ngừng phát triển, thậm chí nhiều cây bị chết khô.
 
Theo ghi nhận của phóng viên, để cứu chữa cho những diện tích cam không bị chết nắng, nhiều nông dân đã đầu tư ống dẫn nước. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài, nước ở các khe suối, ao, hồ cũng đang dần cạn khô. Nắng nóng, thiếu nước, nhiều nông dân bất lực, đành phó mặc cho ông trời.
 
Gia đình chị Nguyễn Thị Lan, ở thôn Bồng Thượng, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang mong ngóng trời mưa mà lòng như lửa đốt bởi hơn hai trăm góc cam đang kết trái. Vì nắng hạn kéo dài khiến mặt đắt khô, độ ẩm thấp, toàn bộ diện tích cam đang bị chuyển màu, quả héo, ngưng phát triển, nhiều cây chết khô.

 
Người dân Hà Tĩnh tìm mọi cách chống hạn, nắng nóng cho cây trồng
 
Nhìn vườn cam đang bị héo quắt vì nắng mà chị Lan không khỏi chua xót. Chị Lan cho hay, “Nếu thời tiết thuận lợi như những năm trước, giá cả thị trường ổn định, trừ chi phí cũng lãi hơn 100 triệu đồng trở lên. Tình trạng nắng khô, thiếu nước tưới như bây giờ đang làm nhiều diện tích cam bị cháy nắng, quả thì héo quắt, rơi rụng. Những quả còn sót lại trên cây cũng không còn hy vọng vì sém nắng, bị ảnh hưởng quả sẽ phát triển chậm không đạt mẫu mã.
 
Được biết, riêng huyện Vũ Quang đến nay có 3.700 ha cây ăn quả (chiếm 20,9 % tổng diện tích cây ăn quả trên toàn tỉnh), là nguồn lực kinh tế chủ đạo mỗi năm cho thu trên 415 tỷ đồng. Do đó, chính quyền các cấp đang chỉ đạo phải tập trung mọi nguồn lực có thể để cùng người dân cứu lấy cây trồng, đặc biệt là cây cam.
 
Còn tại huyện Hương Khê đã có 942ha cam, bưởi bị thiếu nước, trong đó, 7ha bị héo chết không có khả năng phục hồi. Người dân cho biết chưa năm nào thời tiết khắc nghiệt như năm nay. Những ngày qua, dù tốn kém, vất vả nhưng các hộ dân phải dùng máy bơm nước tận dụng nguồn nước tại chỗ ở các ao, hồ, sông suối và thậm chí khoan giếng tại chỗ để bơm tưới vì những vườn cây này là nguồn thu nhập chính của gia đình.
 

 
Nắng nóng gay gắt được dự báo đang còn kéo dài trong nhiều ngày tới
 
Chỉ tính riêng xã Hương Đô - Vùng đất nổi tiếng bởi đặc sản cam Khe Mây ở huyện Hương Khê, hiện nay toàn xã có 350ha cam, trong đó 220 ha đã cho thu hoạch, trung bình mỗi năm thu nhập khoảng 90 tỷ đồng, hộ ít nhất vài chục, hộ cao hết lên đến tiền tỷ. Theo thống kê chưa đầy đủ, nhưng đến nay có khoảng 1/3 diện tích cam đã bị chết, khoảng 60% diện tích đã bị héo.
 
Ông Lê Quang Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cho biết “Hiện tượng thiếu nước tưới mùa nắng nóng ảnh hưởng đến sản lượng của cây ăn quả có múi năm nào cũng xảy ra. Năm nay, mùa nắng nóng đến sớm, gay gắt, kéo dài hơn các năm trước. Nếu trình trạng này tiếp tục kéo dài thì sẽ đe dọa rất lớn đến năng suất của cam, bưởi.

 
Nhiều hồ đập cạn khô nứt nẻ
 
Được biết, để chủ động ứng phó với diễn biến bất lợi của thời tiết, các công ty thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức đắp chặn các trục tiêu, kênh dẫn, khe lạch để giữ nước. Mặt khác, bơm tát, lắp đặt thêm các máy bơm dã chiến, thực hiện phương án chuyển nước tạo nguồn từ các hồ chứa để chống hạn. 
 
Theo thống kê, tỉnh Hà Tĩnh hiện có khoảng 10.000 ha trồng cây ăn quả, trong đó 7.000 ha trồng cam, chanh và 3.000 ha bưởi. Diện tích trồng cây ăn quả chủ yếu ở khu vực miền núi, nên ngành nông nghiệp và người dân gặp khó khăn trong việc chủ động nguồn nước bơm tưới. Để chủ động ứng phó với diễn biến bất lợi của thời tiết, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị, chính quyền địa phương các cấp tập trung chỉ đạo điều tiết, phân phối nguồn nước và bố trí đủ lực lượng cán bộ làm nhiệm vụ dẫn nước, ép nước tưới cho các vùng cuối kênh, vùng cao, vùng xa đã thiếu nước và có nguy cơ thiếu nước.