Mặc dù đã bị phát hiện khai thác vượt trữ lượng cho phép hàng chục nghìn m3 nhưng mỏ đất Phú Lộc An vẫn bất chấp các quy định của pháp luật, tiếp tục tăng cường khai thác tại khu vực Khe Su, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).
 
Như Báo Điện tử TN&MT, ngày 2/4, phản ánh về việc mỏ đất san lấp Phú Lộc An tại khu vực Khe Su, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) có dấu hiệu khai thác vượt trữ lượng. Theo đó, căn cứ vào số liệu từ Cục Thuế Hà Tĩnh cung cấp đến tháng 2/2020, Công ty TNHH Thương mại và Khai thác khoáng sản Phú Lộc An (gọi tắt là Phú Lộc An) đã khai thác vượt trữ lượng cho phép gần bốn mươi nghìn m2.
 
Thay vì chấp hành các quy định cấp phép, trong những ngày qua người dân tiếp tục phản ánh mỏ đất Phú Lộc An còn khai thác mạnh hơn. Bà N. T. X, một người dân ở xã Sơn Bình cho biết: “Thời tiết khô ráo là hàng trăm lượt phương tiện xe tải nối nhau ra vào liên tục lấy đất, không sót ngày nào. Đất chủ yếu khai thác để cung cấp cho một số công trình trọng điểm đang thi công trên địa bàn huyện Đức Thọ”.
 
Không những vậy, hoạt động khai thác của đơn vị này còn bị phát hiện vượt mốc giới cấp phép, xâm lấn đến diện tích đất rừng phòng hộ. Cụ thể, đơn vị này đã bị lực lượng chức năng huyện Hương Sơn phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính do khai thác ngoài ranh giới mỏ 0,32 ha. Ngày 18/3, UBND huyện Hương Sơn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng với hành vi nói trên, Quyết định xử phạt theo số 1606/QĐ-XPVPHC
 
PV trở lại khu vực nói trên, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi chứng kiến những hoạt động đang diễn ra nơi đây. Trao đổi với ông Cù Xuân Điền - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết : “Qua nắm bắt thì mỏ đã vượt trữ lượng cho phép nhưng vẫn khai thác bình thường, chưa thấy cơ quan chức năng vào cuộc. Mặc dù đất khai thác ở điểm mỏ nhưng nếu tiếp tục hoạt động khi đã vượt trữ lượng chẳng khác gì đất trái phép…”.

 
Phương tiện chở đất từ mỏ Phú Lộc An (Ảnh chụp ngày 15.4)
 
Tìm hiểu được biết, đất được khai thác tại mỏ nói trên đang được sử dụng san lấp công trình trên địa bàn huyện Đức Thọ, có thể kể đến những dự án có nhu cầu lớn như đường giao thông, nhà máy công nghiệp đang được triển khai thi công.
 
Qua nắm bắt gần đây, riêng phần san lấp nền nhà máy may ở địa bàn thị trấn Đức Thọ có nhu cầu đất san lấp với số lượng trên 100 nghìn m3 đất, đến nay đã thi công phần nền (sử dụng dất san lấp) đạt trên 80% khối lượng và đang tiếp tục thực hiện phần còn lại. Được biết, quá trình thi công, đất san lấp ở công trình này chủ yếu lấy từ mỏ Phú Lộc An.

 
Xe tải vẫn tiếp tục lấy đất ở mỏ Phú Lộc An sau khi có phản ánh
 
Làm việc với phóng viên, với những chứng cứ được đưa ra, đại diện Công ty Phú Lộc An thừa nhận việc khai thác chưa thấy cơ quan chức năng kiểm tra trữ lượng nhưng thực tế chắc chắn đã vượt so với quy định cho phép. Đơn vị này cho biết thêm, chỉ bán đất tại mỏ, còn ở công trình do các đơn vị vận tải trực tiếp hợp đồng với chủ đầu tư.
 
Cũng chính vì lẽ đó, một số công trình lớn do tư nhân đầu tư khi sử dụng đất san lấp họ cũng chẳng cần quan tâm đến hóa đơn chứng từ, miễn là đơn vị vận tải cung ứng đủ số lượng theo giá thỏa thuận. Theo Chi Cục thuế Đức Thọ, Hà Tĩnh việc làm này là khe hở cho việc trốn thuế và trữ lượng khai thác, rất khó để phát hiện nếu không kịp thời nắm bắt.

 
Công trình nhà máy may thi công trên địa bàn thị trấn Đức Thọ
 
Trong khi đó, đại diện Cục Thuế Hà Tĩnh cho biết thêm, đối với những đơn vị được cấp mỏ để nắm bắt thông tin liên quan đến thuế chủ yếu từ việc chủ động khai báo, căn cứ trên hóa đơn chứng từ đã xuất. Còn kiểm tra chấp hành trữ lượng thì thuộc thẩm quyền của Ngành Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị chức năng khác, ngành thuế chỉ có nhiệm vụ phối hợp.
 
Liên quan đến sự việc, ở bài phản ánh trước, ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng Phòng Khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Đến thời điểm này chưa phát hiện mỏ đất nào đang hoạt động trên địa bàn khai thác vượt trữ lượng cho phép. Nếu có phản ánh chúng tôi sẽ vào cuộc kiểm tra, phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định”.
 
“Để giám sát việc chấp hành trữ lượng khai thác tại mỏ thường  bằng camera, trạm cân, nếu các đơn vị khai thác đá có thể kiểm soát quả việc sử dụng vật liệu nổ nhưng để chắc chắn nhất là căn cứ vào hóa đơn kể khai tại cơ quan thuế”, ông Nguyễn Văn Thành cho biết.