Thầy giáo Nguyễn Hoàng Trang (sinh năm 1977) là giáo viên Trường THCS Lê Ninh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Môn thầy Trang dạy là Mỹ thuật - một môn học vốn dĩ vẫn bị coi là "phụ". Do vậy, trong hơn 10 năm dạy bộ môn này, thầy gặp không ít khó khăn.

"Mỗi tuần tôi dạy 17 tiết. Học sinh tùy theo đặc điểm vùng miền nên ở đây, giờ học Mỹ thuật các em chưa thực sự chú tâm" - thầy Trang chia sẻ.  

Hiện nay, mỗi tháng tổng thu nhập từ việc dạy học của thầy Trang là 8,8 triệu đồng. Thầy giáo nói với số tiền này, để duy trì cuộc sống gia đình và nuôi 3 người con ăn học thực sự không đủ.

"Tôi nghĩ mãi phải làm thứ gì đó để có thu nhập thụ động để có tiền trang trải cuộc sống. Nhưng phải đến năm ngoái, thấy có chương trình hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tôi đã vay mượn thêm tiền, mạnh dạn đầu tư mô hình trồng dưa lưới".

1-1662687584.jpg
Thầy Trang đã vay vốn mua lại mảnh đất bỏ hoang để đầu tư trồng dưa

Để "khởi nghiệp", đầu năm 2020, thầy Trang đã vay vốn mua lại 1.500m2 đất bỏ hoang rồi đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, lắp tưới tiêu tự động, mua giá thể, cây giống, xây bể ủ xơ dừa làm phân bón… bắt tay vào công việc trồng dưa.

"Ban đầu, địa phương hỗ trợ 190 triệu đồng nằm trong chương trình hỗ trợ nông dân phát triển công nghệ cao, số tiền còn lại tôi vay ngân hàng để thực hiện mô hình. Tổng tiền đầu tư lên tới gần 1 tỉ đồng.

Ngoài thời gian đi dạy trên trường, tôi tranh thủ buổi chiều, buổi trưa hoặc ngày nghỉ để làm vườn".

Do thiếu kinh nghiệm, vụ mùa đầu tiên thầy Trang thất bại do không đạt sản lượng, dưa phát triển kém và hư hỏng nhiều.

“Thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc cây trồng nên mùa đầu tiên, công việc trồng dưa của tôi gần như thất bại. Dưa lưới dính phải một bệnh như sâu cuốn lá, đốm lá và bị nứt do thời tiết thay đổi đột ngột” - thầy Trang nhớ lại.

2-1662687617.jpg
Vụ mùa đầu tiên, thầy Trang thất bại do thiếu kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, khiến dưa kém phát triển, hỏng hứt nhiều

Không nản chí, thầy Nguyễn Hoàng Trang đã đọc sách, lên mạng tìm tòi kiến thức, học hỏi chuyên gia nông nghiệp để tìm giải pháp ngăn ngừa sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng cây trồng.

Hiện nay, mô hình dưa lưới của thầy Trang đã đạt năng suất cao, khắc phục được sâu bệnh.

Mỗi năm, thầy Trang trồng hai vụ, từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 6 đến tháng 9. Sau hai vụ dưa, thầy Trang lại lựa chọn trồng thêm dưa chuột, ớt cay, cà chua… để khai thác hiệu quả đất sản xuất.

3-1662687642.jpg
Thầy giáo Nguyễn Hoàng Trang với thành quả lao động sau giờ dạy học

“Sau vụ đầu thất bại, tôi đúc rút đã được nhiều kinh nghiệm chăm sóc cây trồng. Đặc biệt phải tỉ mỉ, cẩn thận và kiên trì mới có được thành quả. Hiện khu vực nhà màng của tôi có hơn 3.000 gốc dưa gồm giống TL3 và dưa vàng Kim hoàng hậu. Mỗi vụ trung bình đạt khoảng 4 tấn, sau khi trừ hết chi phí thu lãi từ 40-50 triệu đồng" - thầy Trang cho biết thêm.

Theo thầy Trang, để có chất lượng dưa tốt người trồng phải thụ phấn bằng tay trong khoảng 10 ngày, mỗi ngày chỉ lựa chọn một khung thời gian chuẩn để thụ phấn, nếu quá giờ chất lượng sẽ không cao. Bên cạnh đó, mỗi cây chỉ giữ lại một quả đẹp nhất, còn lại phải cắt bỏ để đảm bảo chất lượng.

Nhờ kỹ thuật chăm bón tốt, mỗi quả dưa trong vườn thầy Trang đều căng mọng, đạt từ 1,4kg-1,8kg. Hiện tại, với giá nhập 36.000 đồng/kg tại vườn và 40.000 đồng/kg bán lẻ, mỗi vụ sau khi trừ hết chi phí, thầy Trang lãi từ 40-50 triệu đồng.

"Thực sự có thêm khoản thu nhập này, tôi càng yên tâm với nghề dạy học" - thầy Trang bày tỏ.

Ông Trần Văn Kính, Chủ thủ tịch Hội Nông dân xã Tân dân, huyện Đức Thọ cho biết: “Mô hình nhà màng dưa lưới của thầy Nguyễn Hoàng Trang đã thực hiện được gần 2 năm, mang lại hiệu quả tốt, ngoài ra còn giúp người lao động địa phương tăng thêm thu nhập.

Vừa rồi chúng tôi cũng giới thiệu cho vườn thầy Trang một số đầu mối nhập dưa số lượng lớn. Địa phương luôn sát cánh, hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt là những mô hình mới, sáng tạo như của thầy giáo Trang”./.